“Ma trận” cuộc thi nhan sắc

Công chúng yêu cái đẹp, quan tâm các cuộc thi nhan sắc là điều rất đỗi bình thường. Nhưng, từ khi các cuộc thi hoa hậu diễn ra tràn lan, kéo theo vô số tranh cãi khắp “cõi mạng” và đời thực đã khiến các cuộc thi hoa hậu giảm sức hút, danh hiệu hoa hậu, người đẹp ngày càng trở nên mất giá trị trong mắt khán giả.

Mới đây, chỉ tính riêng trong tối 3-8, tại Việt Nam xuất hiện 2 hoa hậu, 6 á hậu trong 2 cuộc thi Miss Grand Vietnam (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) 2024, Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024. Trước đó 1 ngày, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ Việt Nam 2024 cũng trình làng thêm 1 hoa hậu, 3 á hậu. Ngoài các danh hiệu này, 3 cuộc thi còn trao gần 30 danh hiệu người đẹp khác khiến khán giả không khỏi cảm thán: Nước ta nhiều hoa hậu nhất vũ trụ! Không những thế, các cuộc thi còn để lại dư âm không mấy vui vẻ.

Miss Grand Vietnam 2024 khép lại đêm chung kết với vô số lời bàn tán, từ nghi vấn “mua giải” của tân hoa hậu, cách chấm điểm kỳ lạ của ban giám khảo, đến cả các lời tố cáo của chính các thí sinh tham gia về việc mình bị chèn ép, đối xử không công bằng…

Thực ra, không chỉ riêng cuộc thi này mà hàng chục cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia khác lẫn cấp tỉnh, thành cũng xảy ra những tranh cãi xung quanh kết quả chung cuộc. Công chúng dần quen với “không khí thị phi” của các cuộc thi hoa hậu, mà ở đó dù có cả rừng người đẹp nhưng giá trị, sức truyền cảm hứng không còn bao nhiêu, chỉ còn lại những cuộc cãi vã chốn hậu trường, soi chuyện bên lề, đời tư… Nguyên nhân của “ma trận” các cuộc thi nhan sắc thì ai cũng thấy. Đó chẳng còn là nơi tuyển chọn những cô gái “đẹp người, đẹp nết, truyền cảm hứng sống”.

Hầu hết các cuộc thi nhan sắc hiện nay được tổ chức như một hình thức làm… kinh tế. Chủ yếu để kêu gọi tài trợ, quảng cáo, còn chất lượng thì không mấy chú trọng. Đến mức nhiều ý kiến đã yêu cầu các cuộc thi nhan sắc chỉ nên xem là “game show” giải trí của các đơn vị kinh doanh sắc đẹp, không nên giới thiệu các hoa hậu như là đại diện quốc gia. Bởi với những tiêu chí mờ mịt, cách tổ chức lập lờ, đầy rẫy thị phi đó thì không thể xem các hoa hậu là đại diện, dù dưới bất kỳ danh nghĩa nào, cho phụ nữ Việt Nam.

Tất nhiên, không phủ nhận có những cuộc thi được tổ chức tốt, một số hoa hậu làm được nhiều điều cho cộng đồng, được khán giả yêu mến, nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với mật độ tổ chức hoa hậu “dày đặc” như hiện nay, cùng với việc hạ thấp tiêu chí, ý nghĩa, chất lượng cuộc thi… thì những danh hiệu tràn lan sẽ không chỉ khiến các giá trị văn hóa, thẩm mỹ bị giảm bớt, mà còn cổ xúy cho thế hệ trẻ lối sống chuộng hư danh!

Tin cùng chuyên mục