Hồi ở quê, khi cơn mưa còn đang trắng đồng trắng ruộng, má đã dạo mấy vòng chợ lựa cặp heo mọi về thả trong vườn cho kịp tết. Một con để ăn, một con bán lấy tiền sắm sửa. Con heo đen sì, bụng cong chạm đất, tha thẩn ăn bất cứ thứ gì kiếm được, ăn no rồi lăn ra ngủ. Tôi còn nhớ cái tướng đi của nó, lắc qua lắc lại, cái mông tròn ỉn, mắc cười. Tết năm nào nhà cũng có thịt heo thơm ngon, vừa ăn vừa biếu bà con chòm xóm.
Bầy gà vừa nở. Chiều chiều, má vô chuồng đếm xem có hao bớt con nào, trông chúng lớn lên từng ngày, ước chừng coi có kịp cúng giao thừa. Bụi tre mọc bên rào, má hái mấy mục non, đem phơi khô, để dành cho nồi măng hầm cuốn bánh tráng dưa giá.
Bước tới đầu Chạp, má càng chộn rộn hơn, khen nắng ngon quá, lo kiếm đồ mà phơi. Má thăm buồng chuối xiêm sau hè, canh vừa chín bói thì chặt xuống, lựa mấy nải đầu tròn mẩy, chờ thêm vài bữa cho muồi, đem ép phơi khô. Màu chuối vàng ươm, lẫn cùng màu nắng, tứa mật trên mâm phơi. Mà thường hao hụt dữ lắm, anh em tôi ra vô thò thụt, cái vị ngọt lịm lan trong vòm miệng khiến hai đứa thử một miếng liền thêm miếng thứ hai. Tới lúc má kêu để dành tết, chúng tôi mới thôi nhón nhén.
Má đi chợ lựa củ kiệu. Đúng kiệu Huế, má mới ưng, má nói loại này củ nhỏ mà chắc thơm. Má tỉ mẩn làm cho sạch sẽ, phơi khô, ướp đường, cho vô hũ, mỗi ngày đem ra đem vô phơi nắng cho đường tan thấm vào từng củ trắng tinh. Kiệu má làm, cả tháng mới ăn được, ngọt ngọt giòn giòn, để cả năm ăn vẫn ngon. Mấy ngày tết ăn cùng với bánh tét hay trộn tôm khô, ngon tê đầu lưỡi.
Sân phơi trước nhà cũng tất bật theo má, với mứt dừa, mứt bí, dưa chua, củ cải. Đầy ắp đồ ăn, rực rỡ sắc màu chen nhau khoe mình trong nắng. Cái nắng vàng ươm tươm mật ấy góp phần không nhỏ cho không khí rộn ràng ngày tết. Giả như Chạp về mà mưa gió dầm dề, không có nắng giòn rụm để phơi đồ ăn bánh mứt, liệu tết của má, có còn vui.
Má trồng dăm liếp bông thọ sau vườn. Hồi hộp dõi theo từng nụ hoa he hé. Có năm bông nở sớm, có năm nở trễ. Má dặn, năm sau nhắc má trồng cho nó nở đúng tết. Tết này chưa qua, má đã lo cho tết tới.
Má đếm từng ngày tới rằm tháng Chạp, hối hả lặt lá mai cho kịp mùng một nở. Xóm tôi ở, nhà nào cũng có mai trong vườn, ít thì một cây trước nhà, nhiều thì khắp ngõ sau hè, cứ mỗi độ xuân về là rủ nhau khoe sắc. Mấy ngày đầu năm, má thong thả ngồi cắn hột dưa, nhìn ong bướm rập rờn hút mật trên mấy nhành mai. Má nói, vậy mới ra tết.
23 tháng Chạp, má hối đi mua bông về chưng trước nhà. Má nói bông mới đem lên còn đẹp, người bán vui vẻ, mua về chưng cho may mắn. Má không bao giờ đợi đến 29, 30 tết. Má nói, lúc này người bán lo đủ thứ, lo bông ế, lo không kịp về đón giao thừa, lo lời lỗ, bông theo chủ đâu còn thắm.
Mâm trái cây má đơm bàn thờ, phải có đủ mấy thứ, cầu dừa đủ xoài, thêm trái dưa hấu dán tấm giấy đỏ chót chưng bên cạnh. Tôi đùa, cầu vàng cầu bạc, chứ cầu đủ hoài không khá nổi má ơi. Má nói, đủ xài, không lo đói, lo no là mừng rồi.
Mâm cơm cúng tổ tiên, luôn có thịt kho hột vịt, khổ qua dồn thịt, măng hầm giò, bánh tét, dưa kiệu, thịt bó giò. Món nào, má cũng dồn tâm sức mà làm. Tôi khoái nhất là lúc nấu bánh tét. Hai, ba nhà kề nhau trong xóm chung nhau gói. Kẻ rọc lá, người tước dây, kẻ bó đòn bánh cho tròn, người vô nhân vô nếp. Xong xuôi thì ra trước sân nhóm bếp bắt nồi lên nấu, vừa canh lửa củi, vừa chuyện trò thâu đêm. Từng lọn khói mỏng mảnh vắt lên màn đêm trong vắt, cùng tiếng củi nổ lách tách vui tai. Tôi ham vui theo má ra ngồi, buổi khuya lành lạnh được bếp lửa sưởi ấm, chưa bao lâu đã gục gà gục gặc, mà nhất định không chịu vô ngủ. Má đi lấy chiếu trải cho tôi nằm, tôi dựa hơi má, ngủ ngon lành.
Sau này dời nhà lên phố, cứ mỗi độ Chạp về, má lại dặn dò bà con ở quê gửi chuối gửi măng, hối tôi mua củ kiệu cho má làm một sân phơi nho nhỏ giữa chốn thị thành. Nhờ vậy, cái niềm vui tết thuở nao vẫn còn đọng lại, dù bây giờ quanh năm không thiếu món nào của tết. Ngó má luôn tay phơi trở mớ dưa mớ mứt, tôi tự hỏi, không biết thật lâu sau, tôi có giống như má, lăng xăng đón tết từ khi Chạp vừa ngập ngừng chạm ngõ…
HOÀNG NGỌC THANH
Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng