Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 được tổ chức tại TPHCM vào chiều 8-8 với chủ đề “Bước ngoặt mới, kỷ nguyên mới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, M&A (mua bán, sáp nhập) vô cùng quan trọng, vì Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)…
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ nhiều lĩnh vực như: tài chính ngân hàng, DNNN, cơ cấu lại thu chi ngân sách đảm bảo nợ công…
Toàn cảnh Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 Tạo cơ hội cho M&A
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, trong 10 năm qua, hoạt động M&A tại Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành một kênh dẫn dắt dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là của khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế. Tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến nay đã đạt mức ấn tượng, khoảng 48,8 tỷ USD, riêng năm 2017 giá trị M&A đạt mốc kỷ lục là 10 tỷ USD.
Theo ông Vũ Đại Thắng, cùng với quá trình cải cách thể chế đang diễn ra mạnh mẽ, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã không ngừng được hoàn thiện, đáng chú ý là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và nhiều luật chuyên ngành khác, xác lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ và tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường M&A tại Việt Nam. Đây là một xu thế khách quan và tất yếu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, M&A là hoạt động kinh tế diễn ra hoàn toàn bình thường. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế tạo điều kiện cho các thương vụ M&A phát triển và ở chiều ngược lại các thương vụ M&A cũng giúp quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam thành công như mong đợi.
“Việc tái cơ cấu nền kinh tế có 2 nhiệm vụ: một mặt xử lý DN yếu kém, thua lỗ, dư thừa kém hiệu quả; mặt khác phải tạo ra mô hình sản xuất mới, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cả hai việc này đều tạo cơ hội cho M&A diễn ra sôi nổi trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thông điệp của Chính phủ và Thủ tướng là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thấp, điều hành tỷ giá linh hoạt theo cơ chế thị trường, ổn định mặt bằng lãi suất và có thể giảm lãi suất cho vay tại các lĩnh vực ưu tiên. Trong điều kiện độ mở nền kinh tế Việt Nam lớn như hiện nay với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 193% GDP, bất kỳ sự thay đổi nào của kinh tế thế giới như căng thẳng thương mại, biến động địa chính trị cũng tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ cũng đang tập trung hoàn thiện và bổ sung văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước liên quan đến việc cổ phần hóa, thoái vốn. Tháng 9 năm nay, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về quản lý vốn nhà nước.
Trước đó, Chính phủ cũng đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn DN nhằm quản lý vốn tại các tập đoàn tổng công ty tập trung và bài bản hơn. Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ nút thắt đồng bộ 5 loại thị trường: tài chính tiền tệ, hàng hóa, dịch vụ, bất động sản, khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, Chính phủ kiên quyết cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Ngày 15-8-2018 là hạn chót cho các bộ, ban ngành trình Thủ tướng Chính phủ việc cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, trong lĩnh vực cổ phần hóa DNNN, chủ trương của Chính phủ muốn tái cơ cấu mạnh mẽ và thu gọn lại danh mục nắm giữ của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước chỉ tập trung nắm giữ cổ phần tại các lĩnh vực liên quan quốc phòng an ninh và lĩnh vực tư nhân không muốn làm.
“Thời gian tới, Chính phủ sẽ thoái vốn mạnh mẽ tại các DN đã cổ phần hóa đợt đầu vì giai đoạn vừa qua mặc dù đã có 96% số lượng các DNNN cổ phần hóa nhưng vốn nhà nước bán ra chỉ ở mức 8% nên dư địa bán vốn là rất lớn. Từ nay đến 2020, về cơ bản hoàn thành quá trình này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2017, Chính phủ lần đầu tiên công khai danh mục chào bán cổ phần lần đầu và thoái vốn các DNNN chi tiết cho từng năm đến 2020, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có lộ trình và chiến lược đầu tư tại các DNNN. Theo đó, từ nay đến 2020 Việt Nam sẽ cổ phần hóa khoảng 127 DN, trong đó quy định rõ Nhà nước sẽ nắm giữ lớn nhất đến 65%.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2017, giá trị cổ phần hóa gấp 6,4 lần năm 2016, tổng giá trị bán vốn thu về cho ngân sách nhà nước đạt 200.000 tỷ đồng, cao hơn cả giai đoạn 2011 - 2015. Nhà nước có chế tài đẩy mạnh doanh nghiệp niêm yết sau khi cổ phần hóa và Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đôn đốc các DN đã cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường.
Giai đoạn này, mặc dù số lượng DN chào bán ít nhưng tổng giá trị cổ phần hóa rất lớn. Cụ thể như tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng như Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), PV Oil, PV Power. Năm 2019 sẽ cổ phần hóa công ty mẹ TKV, trong lĩnh vực viễn thông cổ phần hóa công ty mẹ VNPT hay cổ phần hóa Vinaphone, Mobifone, VTVCap, Công ty Thuốc lá Thăng Long và Công ty Thuốc lá Sài Gòn…
Khuyến khích M&A ngân hàng Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh xử lý, tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Trong đó, đối với ngân hàng thương mại, Chính phủ khuyến khích M&A các ngân hàng nhỏ, các tổ chức tín dụng nhỏ vào các ngân hàng lớn vì hiện nay số lượng tổ chức tín dụng ở Việt Nam mặc dù thời gia qua đã giảm bớt thông qua các thương vụ hợp nhất, mua bán, sáp nhập nhưng vẫn còn nhiều, cần sắp xếp lại để nâng cao quản trị. Về lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ chuyển giao các ngân hàng yếu kém đã mua lại hoặc đang ở diện kiểm soát đặc biệt (OceanBank, CBBank, GPBank), thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Sắp tới, Chính phủ sẽ hạn chế hoặc không cấp giấy phép thành lập thêm các ngân hàng 100% vốn nước ngoài nhưng khuyến khích nhà đầu tư mua lại các ngân hàng yếu kém của Việt Nam và sở hữu 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Và lĩnh vực này đang được cả ngân hàng nước ngoài và trong nước rất quan tâm. Sắp tới, Chính phủ cũng sẽ tổ chức cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các NHNN. Cụ thể, Agribank đã có lộ trình IPO vào 2019, BIDV và Vietcombank đang thực hiện chủ trương bán bớt vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các ngân hàng thương mại, Chính phủ cũng đang chủ trương tái cơ cấu lại các công ty tài chính (các tổ chức tín dụng phi ngân hàng) và các quỹ tín dụng nhân dân. Hiện nay có khoảng 36 -38 công ty tài chính của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước. Phương án tái cơ cấu này bao gồm cả phương án bán vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu NHNN xây dựng phương án cụ thể để trình Chính phủ xem xét quyết định. |
HẠNH NHUNG