Tú và Lý cũng viết lời tiếng Việt, chuyển soạn phối khí dàn nhạc thính phòng cho dự án mà Lý bảo là “vỗ về vẻ đẹp xưa cũ” của thính giả bằng các khúc hát cổ.
Theo Lê Cát Trọng Lý, dự án bắt nguồn từ ngày 11-2 với hành trình lên đường đi thu nhặt, gom góp ghi chép lại những khúc ca mẹ ru, khúc ca bày tỏ yêu thương, khúc hát sầu bi, khúc hoan ca... ở một số vùng văn hóa đặc sắc của đất nước. Cô và nhóm đóng vai trò là người quan sát, ghi chép và cố gắng hết sức để đưa những khúc hát dân gian nguyên gốc đến với khán giả.
Tài liệu ghi chép ghi âm của Lý là bản thu âm khúc hát nguyên gốc, bản chuyển soạn phối khí và phát triển bài hát dưới dạng album digital. Ngoài ra, một cuốn bút ký và ký họa dạng digital và một vài clip ngắn tài liệu hành trình đã được đăng trên kênh YouTube của Lý hàng tuần. Riêng album Những ca khúc Việt cổ dự kiến sẽ được phát hành tháng 8, sau chuỗi concert ở Hà Nội, TPHCM từ đầu tháng 5.
Lý cho rằng, dự án âm nhạc vốn giản dị, không phải là một nghiên cứu văn hóa hay một đề tài nhân học. Thuần túy dự án này chỉ liên quan đến âm nhạc, và là âm nhạc của người dân, của bà, của mẹ, của người đỡ đẻ, của thầy cúng, của trẻ con, của người lo mai táng...
“Những gì thu hoạch được cũng không thể hiện góc nhìn văn hóa của người thực hiện, hay thể hiện bất cứ thông điệp nào. Một cách đơn giản, nếu Lý nghe được cái gì hay và đẹp, sẽ ghi lại và chia sẻ cho các bạn cũng được nghe cái hay đẹp ấy. Cái hay này hoàn toàn mang tính cảm nhận cá nhân, không thể hiện tính phổ quát. Mong sao chúng ta có được thêm những góc nhìn bình dị và dành cho nhau nhiều yêu thương hơn”, Lý chia sẻ với khán giả.
Mới đây, trong tập 78 của podcast Have a sip, Lý chia sẻ: “Một bài hát dân gian được nghe từ mẹ, mẹ nghe từ bà, bà nghe từ cụ... Nhiều bạn trẻ thấy những khúc ca Việt cổ quá xa với cảm nhận và hiểu biết, nhưng không có nghĩa là nó không hay và đẹp. Tôi đang làm những điều như hòa thanh, phối khí, “biến” những ca khúc đó thành tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ dân gian, giúp khán giả nghe được những tác phẩm hay, thú vị và từ đó họ sẽ đi tìm hiểu văn hóa gốc”.