Lý, tình và sự chuyên nghiệp

Việc các diễn viên bị cắt vai hoặc cảnh quay khá phổ biến. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là quy trình và cách xử lý cần phải được thực hiện một cách hợp lý và thấu đáo, đảm bảo cân bằng giữa yếu tố khách quan và tình cảm.

NSƯT Thành Lộc và Cẩm Ly trên poster phim "Ma da". Ảnh: AMF
NSƯT Thành Lộc và Cẩm Ly trên poster phim "Ma da". Ảnh: AMF

Sự việc nhiều cảnh quay của NSƯT Thành Lộc và ca sĩ Cẩm Ly trong phim Ma da bị cắt đang gây ra những tranh cãi trái chiều. Trước đó, các tài liệu quảng bá của phim đã tạo ra kỳ vọng lớn về sự trở lại của NSƯT Thành Lộc và màn ra mắt điện ảnh của ca sĩ Cẩm Ly. Tuy nhiên, bản phim chiếu rạp lại khiến khán giả thất vọng khi thời lượng xuất hiện của cả hai nghệ sĩ quá ít ỏi so với những gì đã được hé lộ. Đặc biệt, những cảnh quay ấn tượng của ca sĩ Cẩm Ly như cảnh lội nước đã hoàn toàn “bốc hơi”. Nhà sản xuất Nhất Trung sau đó đã lên tiếng giải thích và xin lỗi, nhưng vẫn không làm dịu phản ứng của khán giả. Nhiều khán giả cho rằng nhà sản xuất đã thiếu trân trọng nghệ sĩ khi để đến khi phim công chiếu, bị khán giả phản ứng mới có lời xin lỗi.

Việc các diễn viên, kể cả những ngôi sao hạng A ở Hollywood bị cắt cảnh không phải là điều gì mới lạ trong ngành điện ảnh. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, từ việc điều chỉnh thời lượng phim, các vấn đề liên quan đến diễn viên, hoặc đơn giản là vì những lý do sáng tạo của nhà làm phim. Tuy nhiên, nếu việc cắt cảnh diễn ra một cách tùy tiện, không có lời giải thích hợp lý sẽ dễ dẫn đến sự thất vọng của khán giả và cả sự phản ứng của diễn viên.

Cách giải quyết của nhà sản xuất phim Ma da khi “sự đã rồi” cả về tình, về lý cho thấy thiếu đi sự tinh tế, thấu đáo và thuyết phục. Nó khiến các nghệ sĩ bị tổn thương và chưa cảm thấy được trân trọng. Thậm chí, chính nhà sản xuất cũng chịu những thiệt thòi vì vừa lãng phí kinh phí, thời gian, tâm sức trên phim trường, cũng như không có sự cộng hưởng hiệu ứng truyền thông từ người hâm mộ hai nghệ sĩ này. Việc không có sự trao đổi rõ ràng với các diễn viên từ giai đoạn hậu kỳ cũng phần nào cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp.

Trường hợp bộ phim Ma da có thể trở thành bài học đáng chú ý cho ngành điện ảnh Việt Nam. Thị trường điện ảnh luôn cần sự chuyên nghiệp từ những điều nhỏ nhất, sự hợp tác và đồng thuận từ các bên. Huống hồ trong trường hợp này về lý chưa trọn, về tình càng không vẹn khiến bộ phim mất đi ít nhiều thiện cảm.

Tin cùng chuyên mục