LLBP nghệ thuật không chỉ phát hiện, phản biện, lý giải, mà quan trọng nhất là phải đảm bảo tính trung thực, đòi hỏi nhà LLPB phải có bản lĩnh vững vàng để không nói “nửa sự thật”… Công việc vốn lương thấp, nhuận bút không cao, lại không tránh khỏi va chạm với người làm nghề, bởi thế nhiều nhà LLPB đã buộc phải lựa chọn thượng sách “chạy làng” hoặc có người hạ sách “uốn bút”... Kết quả, số người rời khỏi nghề mỗi ngày một nhiều.
Ở thời điểm hiện tại, khi nguồn nhân lực cũ đã cạn kiệt thì nguồn nhân lực mới lại quá ít, từ đó công tác LLPB nghệ thuật ngày càng trở nên ảm đạm. Có trường nhiều năm không mở được lớp vì không có thí sinh đăng ký thi tuyển đầu vào; trong khi các mã ngành cử đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước lại không có mã ngành lý luận, phê bình… Cộng hưởng nhiều nguyên nhân nêu trên khiến hàng chục năm qua, thực trạng của LLPB nghệ thuật dù được nhìn ra nhưng chưa có chuyển biến. Đây là thời phê bình báo chí làm nên gương mặt chủ đạo, có tác dụng thay thế hoặc lấn át phê bình chuyên nghiệp. Và lúc này, do chạy theo thời sự, do dung lượng của mỗi bài báo và cả do chiều người đọc mà nhiều bài được cho là LLPB nghệ thuật thời điểm này đều có chung căn bệnh là “phê không đến nơi, bình chưa thấu đáo”.
Lâu nay, công chúng không còn thói quen đọc bài phê bình mỗi khi có sản phẩm nghệ thuật mới ra mắt nữa, bởi họ đã quá tải với những thông tin PR “dọn đường” mỗi khi có sản phẩm nghệ thuật mới ra mắt. Nếu không phải bài được đặt hàng bởi ê kíp nhà sản xuất thì bài giới thiệu đơn thuần cũng thuận theo công thức là một tí khen, một tí chê chẳng làm mếch lòng ai. Người đọc ít đi, người viết cũng ít theo và hệ quả là dù vẫn tồn tại nhưng thể loại LLPB càng ngày càng mờ nhạt. Thành thử, LLPB hiện nay vẫn còn lắm nỗi lo.
Cho dù nhiều tọa đàm, hội thảo đã được tổ chức từ cấp địa phương đến toàn quốc nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động LLPB nghệ thuật. Thực trạng khó khăn cũng như các ý kiến nhằm cải thiện tình hình cũng được đề xuất như nâng cao nguồn kinh phí đối với các công trình nghiên cứu LLPB, hỗ trợ xuất bản và điều chỉnh mức lương, mức nhuận bút để tạo động lực cho các nhà LLPB nghệ thuật cống hiến cho nghề; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm và đạo đức làm nghề đối với đội ngũ LLPB.
Hơn thế, còn có những đề xuất cụ thể hơn như có chế độ nhuận bút cao hơn đối với những bài phê bình có chất lượng, tạo dư luận xã hội; đồng thời cần tạo những cuộc tranh luận về một tác phẩm với những cây bút viết sắc sảo và với những góc nhìn khác nhau để có được những đánh giá khách quan…
Tất cả nhằm hướng đến việc phục hồi, đặt LLPB nghệ thuật vào đúng chỗ, đúng trách nhiệm là những “bác sĩ” bắt bệnh, chữa trị để có được một nền nghệ thuật lành mạnh, khỏe mạnh và phát triển.