Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức (TPHCM), đúc kết khi trả lời phóng viên Báo SGGP về những kết quả mà BV này đạt được trong thời gian qua - được coi là một hiện tượng của ngành y tế, không chỉ đối với TPHCM mà là cả nước.
* PHÓNG VIÊN: Quy định của Bộ Y tế về bệnh án điện tử chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 3-2019, nhưng trước đó, BV Quận Thủ Đức đã áp dụng thành công phương thức trên. Điều gì khiến một BV tuyến quận - huyện đi tiên phong trong vấn đề này?
- Bác sĩ NGUYỄN MINH QUÂN: Những ngày đầu tiếp quản, BV gặp muôn vàn khó khăn, như cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân sự ít, đặc biệt người bệnh không có niềm tin đối với BV. Trong quá trình công tác, tôi thường xuyên chứng kiến cảnh quá tải ở các BV và cảnh bệnh nhân chờ đợi hàng giờ để khám bệnh. Thực tế này khiến tôi mong muốn BV có sự thay đổi, không chỉ tạo tiện lợi cho bệnh nhân mà còn lấy lại niềm tin, xây dựng thương hiệu cho BV Quận Thủ Đức.
Đầu năm 2008, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh. Một trong những giải pháp là quy trình khám bệnh thông minh, bệnh án điện tử. Ban đầu, chúng tôi sử dụng phần mềm quản lý do công ty phần mềm cung cấp. Tuy nhiên, phần mềm này chỉ là “khung chung”, có nhiều điểm không phù hợp với thực tế quản lý, khám và chữa bệnh. Do đó, BV lập ra một tổ công nghệ thông tin (hiện nay có 20 người) xây dựng, hoàn thiện quy trình phù hợp với nhu cầu của BV. Đến nay quy trình đã hoàn thiện, vận hành tốt, đã được Sở Y tế thẩm định và công nhận (vào cuối năm 2018).
- Bệnh nhân đăng ký là được cấp số khám bệnh ngay, không phải lấy số thứ tự, chờ đăng ký… như quy trình bình thường. Đối với bệnh nhân cũ thì tự đăng ký khám ngay tại ki-ốt ở sảnh của BV. Hệ thống sẽ cấp số thứ tự cho mỗi bệnh nhân và điều phối đến phòng có ít bệnh nhân, giúp thời gian chờ đợi của bệnh nhân thấp nhất.
Theo mô hình này, bệnh nhân giảm đáng kể thời gian chờ đợi làm thủ tục, khám bệnh, đóng tiền, xét nghiệm, X-Quang, nhận thuốc, với tổng thời gian giảm khoảng 1 giờ/bệnh nhân. Mô hình này cũng lược bỏ các công việc hành chính cho bác sĩ, điều dưỡng, để có nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân hơn. Hệ thống khám bệnh thông minh còn nhắc bác sĩ cho bệnh nhân xét nghiệm lại, đồng thời cũng cảnh báo khi bác sĩ chỉ định xét nghiệm không cần thiết. Thông tin cảnh báo được gửi đến Phòng Tổng hợp của BV, để lãnh đạo BV kiểm tra. Điều này tránh sự lạm dụng, gây tốn kém không cần thiết cho bệnh nhân. Từ mô hình này, BV cũng quản lý được chi phí điều trị, vật tư y tế đến từng sợi chỉ, từng tấm phim X-Quang.
* Hơn 10 năm đeo đuổi, thực hiện bệnh án điện tử mới được công nhận, BV và cá nhân ông đã đối diện, vượt qua những áp lực gì?
- Để áp dụng thí điểm bệnh án điện tử, chúng tôi phải được Bộ Y tế, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TPHCM (liên quan đến thanh quyết toán) đồng ý. “Bệnh án” liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người. Nó mang tính pháp lý cao và là tài liệu mật nên phải thực hiện rất chặt chẽ, không cho can thiệp, chỉnh sửa. Cuối năm 2018, Bộ Y tế đã có quy định chính thức về bệnh án điện tử.
Trong thời gian đầu, BV phải thực hiện song song bệnh án giấy và bệnh án điện tử. Để có được kết quả như hiện nay là một quá trình nghiên cứu, chỉnh sửa, cập nhập, với nhiều thất bại. Cá nhân tôi cũng đối diện với nhiều áp lực, trong đó có sự phản ứng của một số cán bộ nhân viên của BV. Do bệnh án điện tử là vấn đề mới mẻ nên BV phải tự nghiên cứu, học hỏi và tự xây dựng quy trình để đạt yêu cầu như bệnh án giấy. Khi biết ở BV nào có phần mềm, ứng dụng hay, chúng tôi liền đến học hỏi; đồng thời tôi cũng tham khảo kinh nghiệm từ một số BV ở Đài Loan, Úc…
Hiện nay, nhiều BV từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây đều đến BV Quận Thủ Đức tham khảo mô hình này. Riêng tại BV, nhiều bác sĩ, điều dưỡng ban đầu bực bội với mô hình mới nhưng sau một thời gian áp dụng, họ không phải ghi chép, bớt tối đa công việc hành chính và bệnh nhân thì được lợi, nên họ rất “thích”.
* Điều gì là quan trọng nhất khiến BV Quận Thủ Đức từng bị xem là “BV kính chuyển” (gần như có bệnh nhân là ký giấy chuyển viện - PV) đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành BV tuyến quận/huyện có lượng bệnh nhân thuộc tốp đông nhất TPHCM và trở thành “hiện tượng” của ngành?
- BV Quận Thủ Đức nằm ở khu vực dân cư đông đúc, có nhiều công ty, xí nghiệp. Tôi luôn suy nghĩ, để tận dụng được lợi thế này thì điều tiên quyết là phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với thái độ phục vụ thân thiện.
Chất lượng điều trị của BV là tiêu chí quan trọng, quyết định sự chọn lựa của bệnh nhân. Một khi bệnh nhân có nhu cầu đến BV mà nơi đó không được đáp ứng thì lập tức họ sẽ chọn nơi khác tốt hơn. Vì vậy, chúng tôi phải chứng minh, khẳng định uy tín bằng hiệu quả điều trị cụ thể. Tuy nhiên, để tạo dựng được thương hiệu, uy tín với người bệnh là quá trình dài, phải được chăm chút từng vấn đề nhỏ nhặt, đáp ứng mong muốn từ bệnh nhân. Do đó, BV rất chú trọng đến việc xây dựng thái độ tiếp xúc thân thiện và sự ân cần phục vụ bệnh nhân của bác sĩ, điều dưỡng, hoặc đơn giản là sửa sang nhà vệ sinh sạch đẹp, thoải mái cho bệnh nhân và thân nhân. Đối với mỗi bệnh nhân nằm viện tại đây, ngay sau khi họ xuất viện, BV sẽ nhắn tin, gọi điện thăm hỏi. BV dặn dò bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, tái khám (nếu có) và đặc biệt lấy ý kiến của họ đối với sự phục vụ của BV.
Chúng tôi rất muốn hoàn thiện, nâng chất lượng phục vụ nên rất cần sự nhận xét chính xác từ bệnh nhân. Trong quá trình nằm điều trị tại BV, cho dù bệnh nhân, người nhà của họ không hài lòng thì hầu như họ cũng không phản ánh, góp ý. Việc lấy ý kiến trong thời điểm này sẽ không có kết quả chính xác. Vì vậy, BV lấy ý kiến của của bệnh nhân sau khi họ xuất viện. Ban đầu, chúng tôi nhận được rất nhiều phàn nàn, góp ý. Đối với từng phiền hà cụ thể, BV yêu cầu lãnh đạo khoa cùng với bộ phận chăm sóc khách hàng của BV trực tiếp đến nhà bệnh nhân xin lỗi, cam kết khắc phục; đồng thời BV cũng có các hình thức chấn chỉnh. Chúng tôi thực hiện gắt gao việc này và sau đó, các than phiền của bệnh nhân đã giảm hẳn. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp một số than phiền về sự quá tải của cơ sở vật chất, nhưng BV không thể khắc phục được. Vì vậy, BV mong muốn được cấp đất để BV mở rộng hoặc xây dựng cơ sở 2, từ nguồn BV cân đối mà không xin kinh phí từ ngân sách.
Sáng kiến đưa bệnh viện gần dân Năm 2007, BV Quận Thủ Đức có 99 nhân viên, với 17 bác sĩ; chỉ đủ năng lực khám chữa bệnh cho 200 bệnh nhân/ngày và 12 bệnh nhân nằm nội trú/ngày. BV lúc đó rộng khoảng 5.000m2 nhưng gần như chỉ là cái “vỏ rỗng ruột”. Đến nay, BV có 46 khoa, phòng với 1.800 cán bộ, công nhân viên, trên diện tích 14.000m2. Mỗi ngày, BV tiếp nhận 6.000 lượt bệnh nhân, có 1.000 giường bệnh nội trú. BV Quận Thủ Đức cũng tiên phong đưa kỹ thuật cao đến gần người dân bằng sáng kiến đặt phòng khám tại trạm y tế, nơi đông dân cư (nhưng xa BV), trong đó có máy chạy thận nhân tạo. Hàng ngày, BV Quận Thủ Đức cử bác sĩ đến 12 trạm y tế của 12 phường thuộc quận Thủ Đức để khám những bệnh thông thường và phát thuốc tại đây. Mô hình khác là Phòng khám Đa khoa vệ tinh tại Trạm y tế phường Bình Chiểu và phường Hiệp Bình Chánh; Phòng khám Đa khoa tại các phường Linh Xuân, Linh Tây và trong Khu chế xuất Linh Trung 1. Các mô hình này thu hút lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải đáng kể cho BV quận Thủ Đức và hệ thống khám, chữa bệnh nói chung. |