Hoạt động thể dục là cần thiết, nhưng tùy theo từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe để áp dụng các phương pháp tập luyện phù hợp, không nên gắng sức. Người tham gia các môn thể thao cần hiểu về sức khỏe tim mạch của bản thân để biết được các bệnh lý tim mạch mình đang mắc.
Khi xuất hiện các triệu chứng đau tức ngực, chóng mặt, khó thở… lúc đang vận động thể lực, dù ở cường độ nào thì cũng nên đến bệnh viện để tầm soát các bất thường tim mạch và nghe bác sĩ chuyên khoa đưa ra lời khuyên về việc lựa chọn môn thể thao phù hợp tình trạng sức khỏe, tình trạng bệnh lý.
Để hạn chế xảy ra các chấn thương trong luyện tập thể dục thể thao, người chơi cần khám sức khỏe định kỳ, bao gồm: điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim và các xét nghiệm máu để phát hiện các vấn đề tiềm ẩn trước khi tham gia luyện tập. Trong chương trình tập luyện hàng ngày, cần bổ sung các bài tập về khả năng giữ thăng bằng. Một khi giữ thăng bằng tốt thì tỷ lệ chấn thương cơ xương khớp sẽ giảm.
Ngoài ra, dinh dưỡng trước, trong và sau khi tập luyện cũng quan trọng không kém. Người tập thể thao cần tự trang bị các loại thức uống có chứa điện giải để bổ sung lượng nước và chất điện giải bị mất đi do đổ mồ hôi.