Theo Tờ trình Dự án Luật được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế.
“Trong bối cảnh tình hình sử dụng rượu, bia đang ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm, rất cần thiết ra đời một đạo luật để thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Luật cũng sẽ giúp khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia hiện nay; quản lý tốt hơn việc sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng”, người đứng đầu Bộ Y tế khẳng định.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật theo Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối và các nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan rà soát lại hệ thống pháp luật trong lĩnh vực y tế, thống nhất định hướng quan điểm tổng thể về xây dựng hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Dành sự quan tâm đặc biệt đến việc quản lý rượu sản xuất thủ công, Thường trực Ủy ban nhất trí với các quy định về biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công; và đề nghị Chính phủ nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành, nghề cho người từ bỏ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.
Thường trực Ủy ban cũng đề nghị Ban Soạn thảo rà soát tổng thể các quy định tại dự án Luật để tránh các quy định trùng lắp, thu hút tập trung các quy phạm cùng nội dung, làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm, thể hiện rõ chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này và bảo đảm ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày trong dự thảo Luật phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Tại phiên họp, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật. Một số ý kiến nhấn mạnh, tuy rượu và bia đều là hai loại đồ uống có cồn, song mức độ uống và tác hại của hai loại không hoàn toàn giống nhau và khuyến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng về tên gọi cũng như một số nội dung quy định cụ thể về rượu và bia trong dự luật. Một số quy định trong dự luật được coi là ít khả thi không được bán rượu trên mạng internet, không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến kinh tế, văn hóa, xã hội, do đó cần được đánh giá tác động một cách cẩn trọng. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện; đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, tính khả thi của dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6 tới đây.