Ngày 20-7, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật chủ trì phiên họp của Ban soạn thảo.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo đánh giá cao cơ quan thường trực của Ban soạn thảo là Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Tổ biên tập trong quá trình tiếp thu các ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo. Dự thảo đã bám sát nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Bộ Chính trị giao, bám sát Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội, phù hợp về phạm vi, nội dung và yêu cầu; đồng thời đã tiếp thu rộng rãi các ý kiến của các tỉnh ủy, thành ủy, các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước, các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương (gần 100 cơ quan).
Quang cảnh phiên họp |
Đa số ý kiến các thành viên Ban soạn thảo thống nhất về tên gọi, kết cấu của dự thảo với 4 chương gồm các quy định chung; kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ và điều khoản thi hành.
Các ý kiến cũng cơ bản thống nhất với quy định về nguyên tắc kiểm soát quyền lực, bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng, không mâu thuẫn với văn bản của Nhà nước và thống nhất với các quy định liên quan; thống nhất về quy định nội dung xin ý kiến cấp ủy của văn bản, về thời điểm và chủ thể xin ý kiến bảo đảm phù hợp với quy chế làm việc của Trung ương, cấp ủy và phù hợp với thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, công tác xây dựng pháp luật là hoạt động lao động có tính sáng tạo, vừa là lĩnh vực thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng vừa có những đề xuất, sáng kiến mới. Quá trình xây dựng pháp luật yêu cầu tính dân chủ cao, có nhiều cơ quan tham gia, nhiều công đoạn khác nhau, nhiều trình tự, thủ tục, nhiều bước. Do đó, hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật có những đặc thù khác với tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ nói chung; cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu làm rõ để quy định cụ thể hơn, đảm bảo tính khả thi, tập trung vào những vấn đề vướng mắc nhất. Đồng thời, cũng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về biện pháp xử lý, xác định trách nhiệm, loại trừ trách nhiệm…