Tìm kiếm
Gặp Đinh Chí Trung, 30 tuổi (quê ở thị trấn Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) khi cậu vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội vào TPHCM, Trung vui mừng kể về thành quả của chuyến đi: chụp được 2 bộ ảnh ở cao nguyên đá ở Đồng Văn (Hà Giang), một với tên gọi “Cha và tiếng khèn trên cao nguyên đá”, một là “Những đứa trẻ nhà Dính”. Đó là những bộ ảnh chụp hoàn toàn miễn phí, còn chuyến đi thì Trung phải tự túc về kinh phí, nhưng cậu bạn lại coi đó là món quà, là sự may mắn, là thành quả mà mình gặt hái được.
Trung gắn bó với nhiếp ảnh năm 27 tuổi, sau khi nghỉ việc tại một công ty dược để theo đuổi đam mê. Thời điểm đó, các bạn cùng trang lứa đã ổn định công việc, Trung cũng từng lo lắng, cũng từng chông chênh, rồi tiệm chụp hình nhỏ phía sau shop quần áo của chị gái mà Trung mở trong thời gian còn đi học, đã giúp cậu bạn cân bằng lại cuộc sống.
Khi đã xác định gắn bó lâu dài với nhiếp ảnh, đầu năm 2018, Trung lập dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” với chủ đề “Chuyện kể của con” để thỏa sở thích chụp ảnh. Đến nay, sau 10 tháng khởi động dự án, Trung đã có trong tay 11 bộ ảnh chụp ở nhiều vùng miền khác nhau. Ở mỗi bộ ảnh, ngoài những tấm ảnh còn là câu chuyện, là cuộc sống hàng ngày, những ước mơ giản dị, nỗi lo không đầu không cuối của đứa trẻ mà Trung gặp và đồng hành. Không ít lần viết lời kể cho những tấm ảnh, Trung đã rơi nước mắt, vì thương các em cơ cực, vì cảm phục nghị lực của các em, cũng có khi vì hạnh phúc với nụ cười trong veo mà mình lưu lại được.
Điểm chung của các bộ ảnh là nhân vật của Trung đều có hoàn cảnh khá cơ cực, nhưng với Trung, đó là sự tình cờ. “Tôi muốn kể về những đứa trẻ có cuộc sống sinh động nhưng tình cờ là những đứa trẻ ấy đều phải lao động từ sớm, phải bươn chải phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, dù hoàn cảnh nào, nụ cười của các em vẫn trong trẻo và hồn nhiên, tôi tin nụ cười ấy đủ sức xua tan những mệt mỏi trong cuộc sống”, Trung chia sẻ.
Để thực hiện được một bộ ảnh, ngoài tìm kiếm nhân vật, quan sát nhân vật, Trung còn làm người bạn, cùng các bé vui chơi, trò chuyện để hiểu được suy nghĩ, mơ ước của các em. “Trẻ em cũng có niềm riêng, những nỗi lo dù rất ngây ngô và cả những ước muốn bình dị, nhưng ít nhiều những suy nghĩ ấy đang bị gạt ra khỏi mối bận tâm của người lớn. Tôi mong rằng, qua những bộ ảnh, người lớn hãy quan tâm hơn đến trẻ, để các em không cô đơn trong chính cuộc đời mình”, Trung gửi gắm.
Trái ngọt
“Nhận được tin nhắn của một bạn nữ thường làm thiện nguyện tại Phú Quốc hỏi về bé Ngà. Nghe bạn trách móc bản thân đã vô tâm khi không thấy bé, dù đã thực hiện nhiều chuyến thiện nguyện tại đây, rồi những kế hoạch bạn sẽ giúp đỡ bé Ngà làm trái tim tôi như nghẹn lại. Cô bé Ngà rồi đây sẽ được học chữ ở tuổi lên 9, sẽ có người quan tâm, chia sẻ và động viên, tôi cũng chỉ mong như thế”, Trung chia sẻ khi Ngà trong bộ ảnh “Bé Ngà và nàng Elsa bên đồi rác” nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Cứ thế, những câu chuyện đi cùng những tấm ảnh được Trung thực hiện, đăng tải trên Facebook hoặc một số trang báo, được mọi người chuyền tay nhau, được quan tâm và ít nhiều những nhân vật trong các bộ ảnh đó đã có những thay đổi trong cuộc sống.
Cho đến lúc này, nhân vật Hiếu ở Bình Thăng (Quảng Nam) trong bộ ảnh “Hiếu và gia tài bé nhỏ” vẫn để lại trong Trung những ấn tượng khó phai nhất. Đó là cậu bé nghị lực, mồ côi từ năm 3 tuổi, được người dì cưu mang nhưng hoàn cảnh của dì cũng rất khốn khó. Gia tài của cậu là con heo nái mà bà ngoại cho và em phải tự nuôi heo để có tiền đến trường. Khi câu chuyện của Hiếu được Trung chia sẻ, nhiều cá nhân và tổ chức đã giúp đỡ Hiếu.
Ngoài học bổng của Quỹ Khát vọng tài trợ đến khi học hết lớp 12, Hiếu còn trở thành nhân vật trong chương trình “Chung tay vì người nghèo” của VTV1. Nghị lực, sự lạc quan của Hiếu đã lan tỏa, là nguồn động lực cho nhiều người vượt lên khó khăn trong cuộc sống. Hay bộ ảnh mang tên “Bước chân không mỏi của Điểu Sỹ” đã kết nối cộng đồng với xã Bù Ca 2, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, không chỉ Điểu Sỹ được giúp đỡ mà những đứa trẻ trong các gia đình nghèo khó cũng được quan tâm.
Trung kể, trước đây, khi thực hiện các chuyến đi, ngoài kinh phí đi đường, Trung còn gắng gom góp chút quà để tặng cho nhân vật. Nhưng sau này, khi dự án được nhiều người biết đến, Trung đều nhận được tin nhắn của bạn bè, người thân, thậm chí là những người không quen biết nhờ gửi quà cho các em. “Tôi trân trọng những tình cảm ấy, nó tiếp thêm năng lượng để tôi tiếp tục thực hiện dự án của mình và cũng là niềm tin giúp các em có kỷ niệm vui, thậm chí là cột mốc để thay đổi phần nào số phận hiện tại”, Trung tâm sự.
Dự án còn dài, còn nhiều nụ cười đang đợi Trung khám phá. Ấp ủ in sách về 100 câu chuyện trẻ em Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng với đam mê của Trung và sự đồng hành của cộng đồng, chắc chắn những nụ cười ấy sẽ tiếp tục được sưu tầm và lưu giữ.