Cơ hội cho thế hệ sau
NXB Trẻ vừa giới thiệu hai ấn phẩm về họa sĩ Bùi Xuân Phái, gồm: Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi (tập hợp các bài viết đến từ nhiều tác giả khác nhau như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Quân…), và Bùi Xuân Phái - con mắt của trái tim của tác giả Trần Hậu Tuấn, một nhà sưu tập tranh nổi tiếng. Ngoài những bài viết về con người và tác phẩm của họa sĩ Bùi Xuân Phái, cả hai ấn phẩm còn có những bức tranh của ông, được in màu. Cầm trên tay hai ấn phẩm vừa ra mắt, anh Nguyễn Đức Thành (31 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) bày tỏ: “Tôi rất thích những tác phẩm vẽ về phố cổ Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Không có cơ hội được thưởng lãm trực tiếp, nhưng qua hai cuốn sách, tôi ít nhiều cũng được tiếp cận với tác phẩm của ông”.
Ở lĩnh vực âm nhạc, NXB Kim Đồng giới thiệu ấn phẩm Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau… của tác giả Lê Y Linh, cũng chính là con gái của nhạc sĩ. Cuốn sách được thực hiện một cách công phu từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau theo tâm niệm của tác giả: “Thực hiện cuốn sách này, tôi chỉ có một mong muốn là kể lại những chi tiết quan trọng trong cuộc đời sáng tác của bố tôi - nhạc sĩ Hoàng Vân, trên cơ sở các tư liệu đã tập hợp được”.
Sau nhiều ấn phẩm liên quan đến điện ảnh, vào năm 2018, tác giả Lê Hồng Lâm tiếp tục bổ sung thêm vào gia tài của mình bằng cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất (Tao Đàn và NXB Thế Giới), mang đến những bộ phim Việt Nam đặc sắc nhất (giai đoạn 1953-2018) như: Kiếp hoa, Chung một dòng sông, Vợ chồng A Phủ, Em bé Hà Nội…
Có thể nói, việc xuất bản những cuốn sách trên là cơ hội cho những người trẻ hôm nay được tìm hiểu về di sản nghệ thuật nước nhà. Thêm vào đó, không ít bạn trẻ cũng được truyền cảm hứng và chung tay tham gia, như Phan Khắc Huy với dự án Lục tỉnh cầm ca, xuất bản các ẩn phẩm Đường vào hát bội, Đường vào cải lương, Đường vào đờn ca tài tử và Đường vào diễn xướng dân gian Nam bộ; nhóm bạn trẻ: Huỳnh Kim Liên, Phùng Nguyên Quang và Nguyễn Nhựt có ấn phẩm Vẽ về hát bội, ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của hát bội…
Cân đối giữa các dạng thức
Thuộc thế hệ 7X, trong những năm gần đây, nhà văn Nguyễn Trương Quý được biết đến như một nhà nghiên cứu dành nhiều tâm huyết cho âm nhạc nước nhà, nhất là lĩnh vực tân nhạc. Vào năm 2013, sau rất nhiều tập tản văn viết về Hà Nội, anh ra mắt bạn đọc Còn ai hát về Hà Nội, giống như một cuộc tổng quan về hình thái, hiện tượng khi có rất nhiều bài hát lấy Hà Nội làm trung tâm, làm đối tượng nghệ thuật. Như một sự tiếp nối, 6 năm sau, anh ra mắt Một thời Hà Nội hát, lần này tập trung vào âm nhạc Đoàn Chuẩn. Sắp tới, anh tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc.
TS Nguyễn Thị Thu Hòa cũng tha thiết với di sản nghệ thuật nước nhà qua dòng tranh dân gian. Tiếp nối nhiều ấn phẩm về dòng tranh dân gian mà bà cùng các cộng sự đã ra mắt trước đây như: Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Dòng tranh dân gian Hàng Trống, Các dòng tranh dân gian Huế…, mới đây, TS Nguyễn Thị Thu Hòa lần lượt mang đến Tranh dân gian Kim Hoàng và Tranh dân gian đồ thế Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, cho rằng, việc xuất bản sách được xem là hình thức số hóa đầu tiên và rất cần thiết. Điểm nổi bật của những cuốn sách, công trình này là mang tính chất tổng hợp và có hệ thống. Ngoài ra, những cuốn sách này còn đóng góp nhiều trong việc nâng cao hiểu biết về các loại hình nghệ thuật đối với công chúng.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, việc in sách là một dạng thức khác của số hóa. Việc này có một thách thức mà các nhà nghiên cứu về xã hội số đã chỉ ra, đó là xu hướng phóng chiếu các giá trị về phiên bản số hóa mà không còn quy chiếu về chính mình. “Nghĩa là đến một lúc nào đó người ta quên mất sự tồn tại của di sản gốc, chỉ nghĩ đến những tác phẩm mà mình tiếp cận. Cho nên, chúng ta phải hài hòa cân đối giữa hai dạng thức khác nhau, không nên nghĩ rằng, số hóa được rồi, di sản gốc có mất cũng không sao”, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cho biết.