Thông tin từ Sở TT-TT TPHCM và Sở VH-TT TPHCM đều cho biết, các cơ quan này đã nắm vụ việc, đang xem xét để xử lý. Thế nhưng, xử lý thế nào lại không phải chuyện đơn giản, bởi đây là nghệ sĩ hoạt động tự do, không thuộc các đơn vị sự nghiệp do Sở VH-TT TPHCM quản lý và hiện tại cũng không có cá nhân, đơn vị nào khởi kiện nữ diễn viên này.
Trước những bức xúc của dư luận, bài đăng của diễn viên này vẫn tăng sức hút với hơn 924.000 lượt view (lượt xem) và fanpage vừa vượt mức 2,2 triệu lượt theo dõi. Những con số đưa ra đủ để thấy một dòng chia sẻ từ trang cá nhân của nữ diễn viên này đang lan nhanh trong chớp mắt. Và các nhãn hàng dựa trên lượt theo dõi của người dùng, vẫn hợp tác đều đều cùng nữ diễn viên để livestream (phát trực tiếp) bán hàng.
Trong sự phát triển của các nền tảng số hiện nay, định nghĩa người nổi tiếng hay người có tầm ảnh hưởng không còn gói gọn trong giới văn nghệ sĩ, hoa hậu, hay giới nghiên cứu, nhà khoa học, chính khách…, mà chỉ cần tài khoản cá nhân có nhiều lượt theo dõi, nghiễm nhiên được xem như người nổi tiếng. Và nhiều trường hợp đã nổi tiếng ngược: từ mạng xã hội bước ra đời thực. Họ bước đầu tạo dựng để có được tài khoản triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội, từ đó được các nhãn hàng “săn đón”, tham dự sự kiện, đóng phim ngắn, clip ca nhạc... và nghiễm nhiên xưng danh nghệ sĩ.
Mỗi lượt theo dõi, lượt thích đều có thể đem lại thu nhập, vì thế không ít người bất chấp cả tai tiếng để nổi tiếng, có được tài khoản triệu view. Để tăng sức hút và lượt theo dõi, hàng loạt tài khoản đã chia sẻ hình ảnh, nội dung từ gây tranh cãi đúng sai đến chuyện xuyên tạc, xúc phạm người khác… Thậm chí họ sẵn sàng “câu view” bằng những chiêu trò lố bịch, phản cảm như đăng clip khoe thân, tung tin thất thiệt ăn theo tình hình thời sự xã hội như dịch bệnh, thay đổi căn cước công dân… Nhiều tài khoản bị xử phạt nhưng vẫn ngang nhiên tiếp tục sai phạm, bởi “thuốc” chưa đủ “đắng” để “dã tật”, số tiền đóng phạt quá nhỏ so với thu nhập mà họ có thể kiếm được từ một clip triệu view.
Không ít lần dư luận lên tiếng và các đơn vị quản lý đã chấn chỉnh việc nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật, đây là việc làm cần thiết. Nhưng để căn cơ, cần hơn nữa là biện pháp quản lý và một khung hành lang pháp lý chặt chẽ để có chế tài những tài khoản nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội có hành vi vi phạm.
Mạng xã hội có thể hiểu là một xã hội ở trên mạng và việc nó ảnh hưởng, tác động tích cực lẫn tiêu cực tới người dùng là điều đương nhiên. Nhưng không vì cách nhau một màn hình mà người ta có thể cho mình được phép làm ảnh hưởng đến người khác, dù là vô tình hay hữu ý, trực tiếp hay gián tiếp… Bởi một chia sẻ nhỏ có đến triệu lượt người xem thì mức độ ảnh hưởng là điều đáng lo ngại.
Đã đến lúc những tài khoản nhiều người theo dõi cũng cần có cơ chế quản lý cụ thể, chặt chẽ để người nổi tiếng trên mạng phải thực sự nổi nhờ tài năng, nhờ các đóng góp tích cực cho cộng đồng chứ không chỉ bằng các chiêu trò “câu like” bất chấp luân thường đạo lý. Quản lý không phải để giới hạn sự sáng tạo mà để ngăn chặn những tác động xấu, những ảnh hưởng độc hại âm thầm tác động tiêu cực đến hàng loạt người dùng mạng xã hội, nhất là giới trẻ hiện nay.