Sau những bứt phá đáng ghi nhận, được đánh dấu bằng một số tác phẩm có chất lượng, đạt thứ hạng cao, xứng đáng là niềm tự hào của thành phố, mảng sân khấu xã hội hóa (SK XHH) lại “nổi đình, nổi đám” với sự ra mắt của một loạt điểm diễn mới. Mới đây là một Đồng Dao với phong vị nông thôn, quê nhà do nghệ sĩ Trung Dân đảm trách; nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội cũng sắp ra mắt sân khấu mới tại Nhà Thiếu nhi TP; sân khấu Kịch Hồng Vân mở thêm điểm diễn thứ 3 tại Đại học Ngân hàng ở Thủ Đức; sân khấu kịch Gia Định do nghệ sĩ Minh Béo lo toan, rồi Công ty cổ phần Giải trí Đại cồ Việt của NSƯT Trần Ngọc Giàu, Hoài Linh, Nhật Cường cũng bắt tay tổ chức đào tạo diễn viên, dàn dựng kịch dài…
Vậy là, ngày càng có thêm nhiều nghệ sĩ muốn thực hiện khát vọng gây dựng thương hiệu sân khấu kịch mới với sàn diễn riêng, phong cách riêng, từ 8 SK XHH, thành phố sẽ có thêm nhiều điểm diễn mới. Một sự đua nở nhộn nhịp, phấn chấn và đây đó có cả sự tương trợ, chia sẻ của những người trong giới, song nhìn vào đời sống sân khấu hiện nay vẫn cảm thấy ưu tư bởi đi đôi với sự gia tăng số lượng này cũng có những dự báo đáng lo ngại về chất lượng, về chiều sâu.
Để một sân khấu phát triển bền vững và tạo dựng được phong cách riêng, không chỉ cần một điểm diễn ổn định, một cách tiếp cận công chúng linh hoạt mà còn rất cần nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng và nguồn kịch bản hay, phong phú. Tiếc thay, những vấn đề mấu chốt đó lại đang là những thiếu hổng hiện nay.
Để giải quyết bế tắc trong khâu kịch bản, hàng năm vẫn có những trại sáng tác, nhưng tình trạng khan hiếm kịch bản vẫn chưa được cải thiện. Vẫn thiếu lắm những tác phẩm sân khấu có thể trao lời giải đáp cho người xem về những điều họ băn khoăn, mách bảo họ những điều đang khúc mắc. Hiện khán giả thưởng thức vở diễn giống như người ngoài cuộc, xem kịch như xem chuyện của ai đó, chẳng có gì thiết thân và cũng chẳng thể thấy bóng dáng mình… Và có lẽ kịch bản vẫn là điều cơ bản nhất, bế tắc nhất của nhiều sàn diễn lâu nay.
Cũng từ thực tiễn sôi động của sân khấu hàng đêm, dưới “lớp áo” làm nghệ thuật đời thường, người ta đã mang đến khán giả không ít vở mà việc biểu diễn thuần túy chỉ còn là những màn minh họa hiện thực, cạn về tư tưởng, thô về cách thức thể hiện, thậm chí có không ít vở diễn đôi khi chỉ là xâu chuỗi lây nhây của những màn chọc cười tào lao, tếu táo… Tác phẩm sân khấu được khai thác nhiều ở khía cạnh thương mại hơn là giá trị tinh thần. Điều này cũng dễ thấy ở ngay dịp hội diễn vừa qua, nơi vốn tập trung các tác phẩm tiêu biểu, được chọn lựa để thi thố, song vẫn để lại những thất vọng, hụt hẫng bởi cách làm nghệ thuật trong một số vở quá hời hợt, dễ dãi. Đó là cách làm nghiệp dư hóa, tầm thường hóa nghệ thuật. Mong sao chiều hướng bộc phát điểm diễn lần này sẽ tránh được “vết xe đổ” ấy để không chất thêm gánh nặng cho việc quản lý, chấn chỉnh những chiều hướng lệch lạc, để nâng cao chất lượng cho các vở diễn sân khấu. Để làm được điều này, mỗi điểm diễn rất cần có được những người trong nghề tâm huyết và có tài năng, có tầm nhìn, chỉ đạo, dẫn dắt…
Nguồn nhân lực cũng đang là một cách trở lớn bởi sân khấu luôn cần có những nghệ sĩ nổi danh, có sức hút khán giả. Lâu nay, ở một số điểm diễn mới khai trương, dàn diễn thường vẫn là một số tên tuổi đã quá quen ở sân khấu khác. Đội ngũ nghệ sĩ vốn mỏng lại bị phân tán, xé lẻ, lớp diễn viên mới đào tạo không kịp, chất lượng đào tạo lại chưa cao, đã tạo ra một khoảng cách khá lớn giữa thế hệ lớp trước và lớp đàn em kế tiếp. Thêm vào đó là suy nghĩ thực dụng của một số bạn trẻ, tối ngày nháo nhác chạy sô, ít chịu đầu tư cho vai diễn. Lại thêm sự khan hiếm của những gương mặt đạo diễn tài năng, dàn dựng thì nháo nhào gấp rút, hậu quả là vở diễn nhàn nhạt, non yếu, khó tồn tại bền lâu.
Hướng tới khán giả, bung ra nhiều điểm diễn, sáng đèn hàng đêm mang đến thêm nhiều chọn lựa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả là điều đáng quý, nhưng như thế chưa đủ. Điều cần làm và bao hàm nhiều ý nghĩa là nâng cao dần trình độ thưởng thức của công chúng bằng chính chất lượng ngày càng tốt hơn của tác phẩm thay vì thuần túy chiều theo thị hiếu dễ dãi.
Đối với các tác phẩm nghệ thuật, bên cạnh tính thương mại, điều không thể xem nhẹ chính là hiệu ứng xã hội. Vì thế, sân khấu cần có nhiều tác phẩm chuẩn mực, có chiều sâu tư tưởng, sắc nét và đa dạng trong tính cách nhân vật. Sao cho mỗi vở công diễn sẽ là một câu chuyện độc đáo, thiết thân cùng những vai diễn tìm tòi sáng tạo… Như thế, sân khấu không chỉ đơn thuần là chốn giải khuây mà còn là nơi vun đắp cho vẻ đẹp của tâm hồn, cho sự hoàn thiện nhân cách.
Nhân lên theo diện rộng với nhiều điểm diễn mới, làm phong phú diện mạo của sân khấu, tạo thế cạnh tranh làm động lực cho sự phát triển là điều đáng khích lệ nhưng để có những bước đi đúng và hứa hẹn mang lại những tác phẩm có chất lượng, góp phần làm giàu có thêm đời sống tinh thần của người dân thành phố, rõ ràng đã cần thiết lắm một chiến lược phát triển đồng bộ.
TRẦN BẠCH TUYẾT