“Hợp đồng ma” trăm triệu USD
Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng văn phòng Luật Mặt Trời Mới kiêm Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), kể câu chuyện một DN Việt Nam bất ngờ được đối tác đặt đơn hàng lớn, đề nghị cung ứng khẩu trang y tế phòng dịch Covid-19, trị giá đơn hàng lên đến 270 triệu USD, xuất khẩu sang Mỹ. Do số tiền quá lớn, nên DN tìm đến luật sư để được tư vấn lập hợp đồng, hướng dẫn làm sao có thể thực hiện được cam kết…
Luật sư Bùi Văn Thành gợi ý, DN thông qua các kênh đối chiếu thông tin, tìm hiểu xem đối tác chỉ là Blogger (người viết nhật ký mạng) hay là người mua thực sự. Thêm nữa, các điều khoản đặt cọc phải được lập chặt chẽ. “Sau khi rà soát năng lực, khả năng cung ứng và sản xuất hàng hóa của mình, chúng tôi yêu cầu đối tác đặt cọc 30% có bảo lãnh. Ngay khi nhận phản hồi từ chúng tôi, đối tác biến mất luôn”, ông Bùi Văn Thành cho biết.
Cách đây ít ngày, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM (CIIS) phối hợp với VIAC tổ chức hội thảo “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hàm ý chiến lược kinh doanh cho DN trong bối cảnh mới”. Tại đây, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận rằng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung, RCEP nói riêng, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu nước ta, đồng thời giúp DN Việt Nam có thể kết nối tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; nhưng cũng kéo theo những thách thức về nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng cũng như khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia thành viên.
Nên thận trọng
Ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, DN cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tìm hiểu kỹ các quy định thị trường để kịp thời thay đổi, tận dụng hiệu quả các lợi ích mà những FTA mang lại.
Bổ sung nội dung này, ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TPHCM (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương), đi sâu phân tích những điểm mới, khác biệt liên quan đến quy tắc xuất xứ của RCEP so với các FTA Việt Nam thực thi. Ví dụ, với một số mặt hàng như dệt may, thủy sản chế biến…, có lợi thế khi xuất qua các quốc gia thành viên RCEP, không quá khó cho DN thực thi. Đáng chú ý, cũng theo ông Bình, DN có thể sàng lọc kỹ để xem trong các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết, hiệp định nào có thuế suất ưu đãi, có quy tắc xuất xứ dễ đạt hơn thì DN lựa chọn.
Luật sư Bùi Văn Thành lưu ý, đối với nhà nhập khẩu trong chuỗi cung ứng lớn, thông thường DN sẽ có thỏa thuận riêng về bí mật, quy định chi tiết bao gồm thế nào là bí mật kinh doanh, trong những trường hợp nào sẽ coi là vi phạm bí mật kinh doanh, phạm vi áp dụng… Nếu là DN nhập khẩu lớn, họ sẽ yêu cầu áp dụng đối với bản thân nhà nhập khẩu cũng như áp dụng chung cho tất cả các DN có liên quan của nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối, chế tạo. Ngoài ra, đối với chế tài xử phạt, giả sử theo Luật Thương mại Việt Nam thì mức phạt cao nhất chỉ 8% phần nghĩa vụ vi phạm, nhưng trong các thỏa thuận về bí mật có thể đưa ra những con số cụ thể mức phạt rất lớn, điều này liên quan đến luật áp dụng.
Thực tế hiện nay, để bước vào sân chơi toàn cầu, DN cần chuẩn bị kỹ nhiều thứ, đặc biệt là kiến thức, sự hiểu biết pháp luật trong nước cũng như quốc tế. Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC, nhận định rằng, các FTA Việt Nam đã tham gia tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, nhưng cũng đặt ra yêu cầu về việc giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch một cách chặt chẽ. Chính vì vậy, DN cần phải hiểu đúng quy định để vận dụng sao cho hiệu quả.