PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tại sao lại đưa ra chính sách lương tối thiểu theo giờ và những đối tượng nào sẽ được hưởng lợi?
Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG: Lương tối thiểu theo giờ là mức tối thiểu nhất mà một doanh nghiệp hoặc người thuê mướn, sử dụng lao động phải trả cho người lao động làm việc theo giờ hoặc ngày (tức là không trọn tháng). Những đối tượng này thường là lao động tự do, mùa vụ, nhận những công việc không trọn thời gian, có thể làm những công việc giản đơn như: giúp việc gia đình theo giờ, trông trẻ, cắt cỏ, làm vườn, điều khiển máy xúc hoặc tư vấn kỹ thuật... (chiếm khoảng 38%-40% tổng số lao động làm công hưởng lương). Ngay trong khu vực doanh nghiệp cũng vẫn có những bộ phận làm việc theo giờ, theo ngày, không trọn thời gian.
Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định tiền lương tối thiểu gồm có tiền lương tối thiểu theo giờ và tiền lương tối thiểu theo tháng, cả hai đều áp dụng theo vùng. Chính sách này lẽ ra phải thực hiện từ ngày 1-1-2021 khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phải lùi lại.
Mục đích của chính sách này là nhằm tăng độ bao phủ để có thêm nhiều người lao động được bảo vệ bằng lương tối thiểu. Nếu chính sách này được thực thi thì chúng ta sẽ có mức lương tối thiểu theo tháng (áp dụng cho những lao động được ký hợp đồng lao động, được trả lương theo tháng) và lương tối thiểu theo giờ (áp dụng cho những lao động không làm việc trọn ngày, trọn tháng).
Lương tối thiểu theo giờ được tính như thế nào, thưa ông?
Mức lương tối thiểu theo giờ chính là mức sàn mà người sử dụng lao động bắt buộc phải trả cho người lao động để đảm bảo thu nhập cũng như đời sống của họ và gia đình họ. Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất 2 cách tính. Một là sử dụng mức lương tối thiểu theo tháng (đang áp dụng theo 4 vùng) chia cho số giờ làm việc được quy định trong tháng để có con số trung bình làm căn cứ cho mức lương tối thiểu theo giờ. Hai là áp dụng cách tính của một số nước là cộng thêm hệ số “K” vào mức lương tối thiểu theo giờ để đảm bảo quyền lợi và bình đẳng cho người làm việc theo giờ.
Bởi, người làm việc theo giờ thường không có các chế độ phúc lợi xã hội, ví dụ như tiền đóng bảo hiểm, hỗ trợ ốm đau... như người lao động trọn tháng. Song cũng có nhiều ý kiến đề nghị do chúng ta mới lần đầu áp dụng nên trước mắt chỉ áp dụng ở mức đơn giản. Chính phủ sẽ đưa ra mức sàn cụ thể cho lao động làm theo giờ tùy theo từng vùng và sau khi có mức sàn này thì người sử dụng lao động theo giờ sẽ không được trả thấp hơn mức sàn đó.
Theo ông, trong khu vực doanh nghiệp mà người lao động đang phải làm thêm ca tăng kíp... thì có nên áp dụng mức lương tối thiểu theo giờ không?
Không! Đây là đối tượng đã được tính mức tiền lương tối thiểu theo tháng. Những người lao động tăng ca kíp, làm thêm giờ không bị thiệt, bởi hiện nay đã có quy định, nếu người lao động làm thêm giờ thì ngoài tiền lương của giờ làm việc bình thường, người sử dụng lao động phải trả cho họ mức lương làm thêm giờ ít nhất gấp 1,5 lần hoặc 2 lần hoặc 3 lần (tùy theo ngày thường, cuối tuần, ngày lễ tết) mức lương được trả trong thời giờ làm việc bình thường.
Nhưng ở khu vực phi chính thức thì giữa người lao động và chủ sử dụng lao động không có hợp đồng. Làm sao kiểm soát được người sử dụng lao động có trả lương cho người lao động với mức thấp nhất là phải bằng mức sàn hay không?
Đối tượng được trả lương theo giờ không chỉ ở khu vực phi chính thức mà có cả trong khu vực có quan hệ lao động nhưng không làm việc theo tháng mà chỉ thỏa thuận làm việc theo giờ. Khó khăn là số đối tượng này khá nhiều, và thường là không ký kết hợp đồng lao động. Do vậy, việc kiểm tra, thanh tra, giám sát đảm bảo thực thi khá khó khăn. Hiện nay, đối tượng có hợp đồng lao động là những trường hợp phải có thời gian làm việc từ 1 tháng trở lên và phải làm trọn tháng, còn làm liên tục mà không trọn tháng (ví dụ lao động mùa vụ) thì họ cũng không ký hợp đồng lao động. Do đó, giữa hai bên có thể thỏa thuận miệng.
Nhưng, nếu có mức lương tối thiểu theo giờ thì người lao động sẽ có căn cứ để yêu cầu người sử dụng phải đáp ứng cho mình. Hiện nay, mức lương người làm việc theo giờ đang được nhận ước khoảng 18.000-23.000 đồng/giờ - khá thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay. Tất nhiên, cũng có những trường hợp được trả lương theo giờ cao như: giúp việc nhà, trông trẻ, tư vấn kỹ thuật... với mức 50.000-150.000 đồng/giờ. Do tăng trưởng kinh tế và áp lực lạm phát, Chính phủ có thể tính toán đưa ra quy định mức lương tối thiểu trả theo giờ phải là 20.000 đồng hoặc 30.000 đồng/giờ chẳng hạn, để hai bên có căn cứ thỏa thuận.
Ở các nước họ áp dụng thế nào và ở nước ta thì khi nào có thể bắt đầu thực thi mức lương tối thiểu theo giờ?
Ở các nước, họ áp dụng cả lương theo giờ và theo tháng nhưng áp dụng theo giờ là nhiều. Còn ở nước ta, vừa qua Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và đã đề xuất Chính phủ bắt đầu áp dụng từ ngày 1-7, đồng thời với tăng lương tối thiểu vùng. Bộ luật Lao động đã quy định, chỉ còn chờ nghị định của Chính phủ điều chỉnh mức lương tối tiểu theo tháng đồng thời với áp dụng mức lương tối thiểu theo giờ.
Năm 2012, Bộ luật Lao động quy định: Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Quy định này được sửa trong Bộ luật Lao động 2019 thành: Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã nêu rõ: Bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động. |