Báo cáo ban đầu của điểm thi cho biết, thời gian đầu của buổi thi, thí sinh làm bài rất tập trung. Tuy nhiên sau đó, em đã gục xuống bàn nên giám thị cứ ngỡ em đã làm xong bài. Trong khi đó, theo giải thích của thí sinh, sau khi nhận đề thi, em đã viết nháp đáp án vào đề thi. Sau khoảng hơn 15 phút, do mệt quá nên em ngủ quên. Khi giám thị gọi dậy nộp bài thì đã hết thời gian làm bài, em không kịp điền đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Thí sinh này xin giám thị cho thêm vài phút để điền đáp án nhưng không được vì sai quy chế thi. Được biết, T. đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền và là một trong những thành viên của đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý của trường. Với kết quả học tập năm lớp 12, các giáo viên đều nhận định em đủ năng lực tham gia xét tuyển đại học. Tuy nhiên, do kết quả bài thi môn tiếng Anh bị 0 điểm nên em không được công nhận đậu tốt nghiệp THPT, do đó không đủ điều kiện xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Sau khi sự việc được các cơ quan truyền thông thông tin rộng rãi, nhiều giáo viên và phụ huynh đã bày tỏ tiếc nuối về trường hợp của T. Bày tỏ ý kiến về trường hợp này, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) cho biết, trường hợp đáng tiếc của T. một lần nữa nhắc nhở học sinh không nên nhồi nhét kiến thức sát ngày thi. “Dù theo quy chế, cán bộ coi thi có nhiệm vụ giám sát quá trình làm bài của thí sinh, phòng chống gian lận nhưng nếu thí sinh gục đầu xuống bàn trong thời gian dài cần chủ động nghĩ ngay đến các tình huống thí sinh sử dụng công nghệ cao để gian lận, hạ đường huyết, đột quỵ, tai biến, hôn mê…”, nhà giáo này bày tỏ. Đồng quan điểm, nhiều giáo viên từng tham gia công tác coi thi tại TPHCM cho biết, nhiệm vụ của cán bộ coi thi là tiếp cận thí sinh bằng nhiều hình thức. Trong đó, có thể tiếp cận trực tiếp bằng cách lắc vai, gõ nhẹ vào cạnh bàn, gọi tên thí sinh hoặc tiếp cận gián tiếp thông qua việc báo cho cán bộ hỗ trợ ngoài phòng thi để có hình thức xử lý phù hợp.
Ở góc độ khác, giáo viên một trường THPT ở quận Bình Tân (TPHCM) cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại điểm thi, cán bộ coi thi không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà còn thể hiện lương tâm, trách nhiệm của giáo viên. Với các môn thi trắc nghiệm, khi gần hết giờ làm bài, các giám thị thường nhắc thí sinh kiểm tra đã tô đầy đủ hết tất cả đáp án trong phiếu trả lời trắc nghiệm hay chưa, không nên bỏ sót vì sẽ ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh. Hành động này không vi phạm quy chế nhưng thể hiện được sự quan tâm, trách nhiệm của một người thầy. Tiếc là những điều tưởng chừng bình thường đó đã không xảy ra với thí sinh T. khiến em lỡ một nhịp trên con đường học tập. Có thể bằng những hướng đi khác, em vẫn tiếp tục hành trình học tập nhưng sự việc hôm nay sẽ là bài học day dứt không chỉ đối với em và gia đình mà còn là lời nhắc nhở chung về lương tâm, trách nhiệm của những người thầy.
Như vậy, sự việc không dừng lại ở việc đúng hay sai mà cần được xem xét ở góc độ các cá nhân, tập thể đã làm hết trách nhiệm công việc của mình hay chưa. Bản tính nhân văn của giáo dục là ở đó…