
Phát triển bền vững (sustainable development) là “sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai” (development that meets the needs of the present without compromising the ability of future generations to meet their own needs). Theo Báo cáo Brundtland (1987) |
Phát triển nhanh nhưng an sinh và khang lạc có tương ứng?

Công luận đã nóng lên vì những phát hiện cho thấy sức khỏe cộng đồng bị coi thường. Các cơ quan chức năng và các nhà sản xuất trong nước vì rất nhiều lý do biện bạch không thể chấp nhận đã khiến người tiêu dùng và người bệnh bấy lâu nay phải tốn tiền mua lấy những sản phẩm tai tiếng: nước máy nhiễm đục không tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục, thuốc chủng ngừa gây liệt người thậm chí là tử vong, nước chấm chứa độc tố gây ung thư, nông và hải sản tồn đọng dư lượng hóa chất độc hại, xăng chưa hoàn toàn sạch làm không khí nhiễm chì v.v...
Ở phương diện khác, việc làm cầu đường tốn kém nhưng bất tiện giao thông, gây sụt nền, nứt tường khu dân cư lân cận. Việc phát triển đô thị về hướng Nam để lộ ra một nhược điểm tuy sửa chữa rất tốn kém mà không sao khắc phục được, đó là rất nhiều nơi trong thành phố phải sống chung với nước ngập, nhiều nơi có hiện tượng lún sụt, thậm chí là bị sạt lở trên diện rộng! Việc chống ngập bằng cách liên tục nâng cao mặt đường lên khiến cho nhiều căn nhà càng bị thụt sâu xuống… Quán nhậu và cơ xưởng tiểu thủ công xen kẽ với nhà ở, người dân thường xuyên và liên tục sống với khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn. Thành phố càng phát triển kinh tế càng làm tăng dân số cơ học đã ảnh hưởng nhất định bộ mặt văn hóa và điều kiện an sinh của thị dân.
Không thể kể lại tỉ mỉ và đầy đủ nơi đây những thực trạng mà người dân đang phải gánh chịu và không còn biết sẽ tiếp tục gánh chịu tới bao giờ. Ngoài tiền thuế người dân đã đóng, ngân sách còn gồng gánh thêm những khoản nợ sẽ phải trả lãi cho quốc tế. Thế nhưng, hàng bao tỷ tỷ tiền thuế, tiền vay đó đã không được sử dụng thật sự hiệu quả cho công cuộc phát triển đất nước với một guồng máy còn nhiều công chức hạn chế năng lực chuyên môn, kém đạo đức nghề nghiệp, vô cảm và vô trách nhiệm trước hạnh phúc an sinh của người dân.
Phát triển bền vững (PTBV) chỉ có được khi nào bảo đảm được về lâu dài mọi nỗ lực hiệu quả nhằm phát triển hài hòa, đồng bộ ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Về kinh tế - xã hội, phải đảm bảo phát triển kinh tế song song với việc xây dựng một xã hội công bằng (equitable). Về kinh tế - môi trường, phải đảm bảo phát triển kinh tế cùng lúc với việc duy trì một môi trường mà con người còn có thể tồn sinh (viable; developing and surviving). Về xã hội - môi trường, đó là phát triển xã hội sao cho môi trường vẫn thích hợp cho con người sinh sống (liveable; fit to live in).
Mượn tân toán học, Johann Dréo minh họa PTBV là phần “giao” của ba yêu cầu công bằng, tồn sinh và thích hợp như sau (xem hình).
PTBV ở VN
PTBV đang là nỗ lực của các tổ chức quốc tế nhằm cứu lấy hành tinh. Thông qua LHQ và nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO), PTBV được đưa vào chương trình, kế hoạch hành động của nhiều quốc gia, trong đó có VN. Thật vậy, với Dự án VIE/01/021 (tháng 11-2001 tới tháng 12-2005), mục tiêu PTBV của VN đã được bao hàm trong những nhiệm vụ cụ thể mà Dự án này đề ra, tóm tắt như sau: Cung cấp chuyên gia kỹ thuật, tăng cường năng lực quốc gia để đảm bảo thúc đẩy PTBV. Áp dụng những hệ thống quản lý môi trường. Huy động các nguồn tài chính và đổi mới cơ chế, chuyển giao công nghệ, các công cụ và cơ chế pháp lý. Giáo dục cộng đồng nhận thức về PTBV, mở rộng khả năng tham gia của cộng đồng vào các hoạt động PTBV (www.va21.org).
Đất nước đang tăng trưởng không ngừng và phát triển rất nhanh. Có lẽ vì thế mà nhiều lãnh vực vượt khỏi tầm quản lý. Gần đây công luận được tiếp cận một khái niệm dường như chưa quen, đó là khi một số nhà chuyên môn chỉ ra rằng những thực trạng lược kể dưới đây chính là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội mà lơ là nguyên tắc phát triển bền vững. |
Như thế, ngoài vấn đề tài chính, pháp lý, kỹ năng và công nghệ - kỹ thuật ra, để đất nước PTBV đòi hỏi phải có là nhận thức của cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng. Cộng đồng này hiện nay đang có một công cụ hiệu quả là báo, đài. Chính báo, đài với sự hợp tác của khách hàng đã góp phần rất lớn đến việc phơi bày những khuất lấp đằng sau bộ mặt phát triển kinh tế, sản xuất. Chỉ khi nào báo, đài “ồn ào” thì các thanh tra, các cơ quan hữu quan mới rục rịch, mà thường họ chỉ làm vài động thái mang tính cách đối phó nửa vời. Câu chuyện chai nước tương 3-MCPD vừa qua là một giọt nước làm tràn ly, nhưng chưa phải tất cả chuyện “hậu trường” quản lý an sinh, khang lạc của dân chúng đã được phát hiện!
Bao lâu con người thừa hành chức năng chưa có ý thức tự giác trách nhiệm mà việc xử lý hậu quả nghiêm trọng vẫn thiếu thích đáng, kém minh bạch thì bấy giờ đất nước này phải chăng vẫn còn quá xa khả năng hiện thực mục tiêu PTBV?
Dũ Lan Lê Anh Dũng
PTBV & Những cột mốc lịch sử Tháng 4-1968: Câu lạc bộ La Mã (The Club of Rome) ra đời, là một tổ chức phi chính phủ gồm những nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực, doanh nhân, các lãnh tụ nhiều nước... Mục đích là nghiên cứu những vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường và công nghệ trên toàn cầu với tầm nhìn lâu dài. |