Để chuẩn bị trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội.
Liên quan đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, suy giảm và ô nhiễm nguồn nước, báo cáo nêu trên cho biết, trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước thời gian qua ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang có xu thế gia tăng, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra thiếu nước ngọt cục bộ và thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với khai thác thượng nguồn nên xâm nhập mặn đã liên tục xảy ra đối với vùng ĐBSCL, điển hình như mùa khô 2015-2016, 2019-2020 và mặn cục bộ đầu năm 2024 vừa qua, xâm nhập mặn đang có xu thế sớm hơn và mạnh hơn so với trước đây. Trong mùa khô năm 2024, lượng nước về ĐBSCL qua Tân Châu, Châu Đốc trên sông Tiền và sông Hậu tính hết tháng 4-2024 khoảng 75 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 8%; riêng trong tháng 5-2024 khoảng 11 tỷ m³, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19%. Xâm nhập mặn cao nhất vào trung tuần tháng 3-2024 và xâm nhập mặn (4g/l) sâu vào các sông (sông Tiền, sông Hậu) khoảng 50-65km.
Trong bối cảnh đó, Bộ TN-MT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 quy hoạch về tài nguyên nước với quan điểm, mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước trên các lưu vực sông, đồng thời đã đưa ra các giải pháp cụ thể để phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước. Bộ cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quy hoạch bảo vệ môi trường và quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học.
Đặc biệt, công tác quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo là một trong những giải pháp được ưu tiên trong các chỉ đạo của Bộ TN-MT mang lại hiệu quả cao trong phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Bộ TN-MT đã tổ chức thu nhận số liệu thủy văn của 20 trạm thủy văn trên dòng chính sông Mê Kông thông qua Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) và số liệu vận hành của hồ chứa thủy điện thượng nguồn Trung Quốc; tổ chức đo đạc số liệu tại 17 trạm khí tượng, 75 trạm đo mưa tự động và 51 trạm thủy văn trong khu vực ĐBSCL; quan trắc, giám sát hạn hán, xâm nhập mặn tại 39 điểm đo mặn tại 9 tỉnh thành: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và TPHCM; đồng thời tăng cường quan trắc bổ sung thêm 12 điểm, kết hợp với mạng lưới trạm đo mặn chuyên dùng của các địa phương liên tục cập nhật số liệu phục vụ các cơ quan chỉ đạo điều hành và cung cấp thông tin cho nhân dân chủ động phòng tránh.
“Các bản tin cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn (tuần, 10 ngày, tháng, mùa) và các bản tin chuyên đề về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, thiếu nước thường xuyên được ban hành sớm, cập nhật liên tục và cung cấp cho các cơ quan chỉ đạo điều hành và cung cấp thông tin cho nhân dân chủ động phòng tránh trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, các đài khí tượng thủy văn và các mạng xã hội”, người đứng đầu ngành TN-MT khẳng định.
Vẫn theo ông Đặng Quốc Khánh, Bộ TN-MT đang gấp rút triển khai nghiên cứu, xây dựng các kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh, dự kiến sẽ công bố đầu năm 2025, sau khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực. Kịch bản nguồn nước là căn cứ để điều hòa phân bổ nguồn nước và các bộ, UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước.