Sau 10 năm làm việc cho các công ty dược của Pháp, Chi bắt đầu thực hiện một số dự án cá nhân nhằm hỗ trợ được nhiều người hơn, đặc biệt là đồng hương.
Lương Ngọc Chi tâm sự: “Hai giá trị cốt lõi tôi theo đuổi là tình yêu và lòng trắc ẩn. Nhờ vậy tôi có thêm nghị lực và quyết tâm học thạc sĩ ngành này. Ngành Dược ở Pháp đòi hỏi sự chỉn chu, chính xác và được quan tâm đầu tư có hệ thống. Học khó, muốn tìm việc đúng nghề càng khó. Còn nhớ lúc tôi gửi hồ sơ đến nhiều công ty xin thực tập, nhiều nơi không tiếp nhận. Sát ngày phải thực tập tôi mới được 2 nơi gọi phỏng vấn, trong đó có công ty ở tỉnh, từ bến tàu đến đó phải qua cả một cánh đồng lớn. Đúng ngày phỏng vấn, tàu lại trục trặc. Tôi khởi hành sớm vẫn có nguy cơ muộn giờ nên đành bắt taxi cho kịp. Đây là hành động hơi quá tay với một sinh viên nghèo. Tôi thật thà kể với người phỏng vấn chuyện bắt taxi đến đây cho kịp giờ. Thời ấy chưa có Uber, taxi ở Pháp rất đắt. Sau này người phỏng vấn tiết lộ rằng bà chọn tôi trong số nhiều ứng viên bởi nhận thấy ở tôi động lực và quyết tâm cao: thay vì xin lỗi đến muộn do nguyên nhân khách quan tàu trục trặc thì tôi bắt taxi để đến đúng giờ dù chẳng biết có được nhận thực tập hay không”.
Hơn 10 năm làm việc và trải nghiệm trong các công ty dược của Pháp cũng là chừng ấy năm Chi sống trong môi trường khắt khe, căng thẳng. Đòi hỏi cao từ cơ quan quản lý buộc các công ty dược phải vừa cẩn thận vừa liên tục cải tiến sản phẩm đầu ra để đạt chất lượng nhất có thể.
Đi làm ở công ty dược khiến Chi gặp rào cản rất lớn về mặt thời gian, vậy còn năng lượng đâu để thực hiện các dự án cá nhân về tư vấn và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, rồi viết sách? Chi giải thích: “Tôi sinh con khi sống cách gia đình 6 múi giờ, không có nhiều trợ giúp từ bố mẹ, bạn bè hay người xung quanh. Biết bao hoang mang, lo lắng, thậm chí sợ hãi từ lúc mang thai, sinh con đến nuôi con nhỏ. Sợ nhất với một người mẹ là con bệnh. Nhưng đáng sợ hơn là khi con đau, mình cũng đau. Vì vậy, nhiệm vụ lớn nhất của tôi là phải giữ cho bản thân thật khỏe, con khỏe mới yên tâm làm việc khác. Đó cũng là một trong những lý do khiến tôi muốn góp phần thay đổi nhận thức mọi người về việc chăm sóc sức khỏe chủ động thay vì chờ đến khi gặp vấn đề mới đi khám, chữa bệnh”.
Chi bắt đầu thực hiện các dự án cá nhân liên quan đến viết. Viết là cách rút ngắn khoảng cách và giúp những người làm mẹ không phải bơi giữa một biển thông tin nhiễu loạn. Thông qua Her Care - kênh bản tin chia sẻ kiến thức chuyên sâu về sức khỏe thai kỳ và sau sinh, người quan tâm có thể đặt lịch hẹn trên link với Chi để được nghe tư vấn miễn phí. Chi còn lập kênh Instagram cung cấp kiến thức qua hình ảnh và video ngắn. Chi cũng đồng sáng lập dự án cộng đồng “Mom Village - Nuôi dưỡng người mẹ mới”, nơi những người mẹ mới sinh con có thể tìm kiếm sự hỗ trợ, nâng đỡ, chia sẻ từ những người mẹ khác.
Ngày 20-5, Lương Ngọc Chi cùng nhóm tác giả Thùy Trang, Lam Rosy, Norah Vo đã cho ra mắt cuốn sách “Bản giao hưởng của nước” (NXB Kim Đồng). Trong cuốn này cô thực hiện các nội dung gắn với chuyên môn như “Uống bao nhiêu nước là đủ”, “Nước là phương thức xanh lam dành cho cơ thể” cũng như những phần dựa trên kiến thức và trải nghiệm xã hội “Dấu vết của nước”... Đây là cách cô thực hiện lời hứa từ thời phỏng vấn du học: “Tôi từng nói sẽ học và đi làm vài ba năm ở nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm rồi về giúp đỡ người Việt. Sống ở Pháp, tôi chưa làm được điều này. Nhưng bằng cách thực hiện những dự án trên, tôi vừa chia sẻ được kiến thức của mình vừa dần chuyển đổi công việc cho phép linh động về thời gian, có thể làm việc ở bất cứ đâu và thuận tiện chăm sóc con cái, về thăm bố mẹ khi cần”.