Lượng hóa để làm cơ sở giám sát việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
SGGPO
Sáng 2-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách; tổng kết việc thực hiện và kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các ĐB dự phiên thảo luận
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ quan ngại về tình hình chậm trễ trong việc triển khai thực hiện.
Theo ĐB, sau khi Nghị quyết 43/2022/QH15 được ban hành, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 sau 19 ngày. Chính phủ đã xác định rõ tính khẩn trương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khi đề ra các nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình và theo thời hạn thực hiện cụ thể. Các ĐB và đông đảo cử tri đánh giá cao sự vào cuộc khẩn trương, tích cực và quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, đã sang tháng 6 nhưng có rất nhiều nội dung công việc vẫn đang dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”, có 5 nghị định dự kiến ban hành trong tháng 5 vẫn được chưa ban hành…
Nghị quyết 43/2022/QH15 có hiệu lực 2 năm nên tính thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu chậm trễ trong triển khai thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng để các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả cao nhất. Sự chậm trễ đã khiến có những chính sách đã mất đi ý nghĩa như chương trình Sóng và máy tính cho em. Mục đích của chương trình là để hỗ trợ cho học sinh trong việc học trực tuyến. Nhưng, đến nay học sinh đã đến trường học tập trung và mới có 1 tỉnh trao máy tính cho học sinh.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)
Từ đó, ĐB Việt Nga đề nghị cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và xác định đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, xây dựng chỉ tiêu định lượng cụ thể về khối lượng công việc cần hoàn thành, chẳng hạn 50% năm 2022 để làm cơ sở đánh giá chứ không quy định chung chung.
ĐB Lê Minh Trí (TPHCM), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Theo ĐB Lê Minh Trí (TPHCM), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hiện nay người dân và doanh nghiệp rất khó khăn. Giá cả tăng cao nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí giảm hoặc có tăng nhưng không đáng kể. Doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình đó, ĐB đánh giá cao chính sách miễn giảm thuế là một quyết sách đúng, kịp thời để góp phần kiềm chế giá cả, lạm phát cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, ĐB kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, đánh giá, bổ sung việc miễn, giảm thuế dài hơn, không chỉ năm 2022 mà có thể kéo dài 2 năm hoặc dài hơn; lựa chọn các lĩnh vực có khả năng phục hồi nhanh và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế để hỗ trợ, nhằm tạo ra sự dẫn dắt chung.
Để các quyết sách mà Quốc hội, Chính phủ ban hành đi vào cuộc sống, ĐB Lê Minh Trí đề nghị Chính phủ phân công các bộ, ngành, địa phương, giao tiến độ cụ thể và đánh giá việc triển khai thực hiện hàng tháng, hàng quý; đồng thời Quốc hội tiến hành giám sát để các chủ trương, chính sách không triển khai chậm, không được kết quả như mong muốn.