Luồng gió mới từ nông thôn mới kiểu mẫu

Hậu Giang đang là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Các xã đạt chuẩn NTM luôn kết nối chặt chẽ với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp liên kết hình thành vùng sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nhiều mô hình hay

Xã Đại Thành, TP Ngã Bảy, được nhiều nơi biết đến khi trở thành địa phương đầu tiên của vùng ĐBSCL đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2013, đồng thời là xã cán đích NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh Hậu Giang vào giữa năm 2019. Và mới đây, Đại Thành đã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Hậu Giang. Xã Đại Thành có gần 2.000ha sản xuất nông nghiệp gắn với khoảng 2.000 hộ dân. Nông nghiệp được xem là thế mạnh và chủ lực của địa phương; từ đó, xã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất tuần hoàn để nâng cao giá trị sản xuất. Trong đó, chú trọng chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, phát triển nhóm cây trồng chủ lực. Ngoài ra, mô hình trồng chôm chôm kết hợp nuôi ong lấy mật được xem là điểm sáng liên kết chuỗi theo hướng kinh tế tuần hoàn và sử dụng công nghệ cao…

Nhiều người dân ở ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, TP Ngã Bảy rất mến tài sản xuất của gia đình chị Nguyễn Kim Toàn. Ngoài trồng chôm chôm và chanh không hạt cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị Toàn còn đi tiên phong trong việc tạo ra sản phẩm mới trên chính mảnh vườn rộng 1,6ha của gia đình, đó là mô hình nuôi ong lấy mật.

Chị Toàn thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật từ cuối năm 2022, với 10 thùng ong khởi nghiệp ban đầu để vừa nuôi vừa học tập kinh nghiệm. Đến nay, số lượng thùng ong tại vườn chôm chôm, chanh không hạt của chị đã nâng lên 18 thùng.

Theo chia sẻ của chị Toàn, việc nuôi ong trong vườn cây ăn trái không quá khó. Cụ thể, khi nhận ong giống về cần lựa chọn vị trí thích hợp trong vườn để đặt thùng ong. Ong sẽ tự bay đi kiếm ăn và hút mật quanh vườn cây ăn trái của gia đình và những hộ lân cận, sau đó sẽ trở lại thùng ong để tạo mật. Vào mùa cây ăn trái nở hoa nhiều, thường 7-10 ngày chị Toàn sẽ tiến hành lấy mật ong một đợt; mùa hoa nở ít thì thời gian lấy mật khoảng 15 ngày/đợt.

Bình quân một thùng ong có thể thu hoạch được 4 lít mật/đợt; giá bán hiện tại là 400.000-500.000 đồng/lít. Qua đó, giúp gia đình chị Toàn có thêm nguồn thu nhập đáng kể hàng tháng, riêng nguồn thu từ cây ăn trái đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi ong lấy mật trong vườn cây ăn trái của chị Nguyễn Kim Toàn ở xã Đại Thành mang lại hiệu quả cao
Mô hình nuôi ong lấy mật trong vườn cây ăn trái của chị Nguyễn Kim Toàn ở xã Đại Thành mang lại hiệu quả cao

“Nhận thấy quê mình có nhiều vườn cây ăn trái ra hoa quanh năm nên tôi nghĩ có thể kết hợp tạo ra sản phẩm mới để tăng thêm nguồn thu. Sau thời gian tìm hiểu, tôi thấy mô hình nuôi ong lấy mật của người dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cho hiệu quả kinh tế cao nên mạnh dạn trao đổi kinh nghiệm, học cách nuôi, áp dụng tại vườn cây ăn trái của gia đình”, chị Toàn tâm sự.

Nâng cao đời sống người dân

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang: “Các xã cần tuyên truyền để người dân nhận thức được Chương trình xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phát huy tối đa vai trò chủ thể của mình trong việc tham gia xây dựng NTM. Trong tổ chức thực hiện, các địa phương cần chủ động, tích cực, linh động nhưng không chủ quan nóng vội, chạy theo thành tích”.

Với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, hiện thu nhập bình quân của người dân ở xã Đại Thành đạt 70,6 triệu đồng/người/năm. Xã đang nỗ lực tiếp tục vận động, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh của địa phương. Đồng thời, không ngừng nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao để người dân cùng thực hiện như mô hình trồng sầu riêng, mít, chôm chôm…

Hiện Đại Thành có 15ha mít được cấp chứng nhận sản xuất đạt chuẩn VietGAP và 10,2ha chôm chôm được nông dân thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc. Và xã đang triển khai cho người dân đăng ký 6 mã số vùng trồng trên cây mít, với diện tích hơn 103ha trong tổng số gần 480ha mít của địa phương…

Ông Lê Hùng Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Đại Thành, cho biết: “Xác định việc xây dựng NTM chỉ có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc nên ngay sau khi được công nhận danh hiệu xã NTM rồi NTM nâng cao, địa phương không lơ là, thỏa mãn mà thường xuyên thực hiện củng cố, nâng chất các tiêu chí NTM, NTM nâng cao nhằm được tái công nhận hàng năm và đảm bảo năm sau cao hơn năm trước theo từng giai đoạn. Ngoài ra, việc củng cố, nâng chất các tiêu chí NTM còn góp phần quan trọng không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân như nội dung cốt lõi chương trình xây dựng NTM muốn hướng đến.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, cho biết đến nay, Hậu Giang có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn NTM, 39/51 xã đạt chuẩn (19/19 tiêu chí) NTM, 7 xã NTM nâng cao. Đồng thời, tỉnh Hậu Giang đã đánh giá, xếp hạng và cấp giấy chứng nhận cho 175 sản phẩm OCOP, trong đó có 68 sản phẩm đạt 4 sao; 107 sản phẩm đạt 3 sao. Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại địa phương để người dân nhận thức đầy đủ hơn về chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM, từ đó giúp nâng cao trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ, nhân dân trong thực hiện; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất…

Tin cùng chuyên mục