Sống ở Tứ giác Long Xuyên, anh Lê Văn Vụ, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang), được nhiều người biết như một nông dân @ chính hiệu. Thuộc thế hệ 8X, sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh trụ ở quê, khởi nghiệp trồng lúa từ 3ha đất của gia đình. “Cuộc chơi” bắt đầu từ năm 2016, khi thấy ở huyện Giang Thành thiếu nhân công làm nông nghiệp trầm kha. Anh quyết định bán hết lúa được gần 200 triệu đồng để sắm chiếc máy xới bánh xích. Gần như anh “thất trắng” vì hoạt động máy bánh xích không phù hợp, bởi nhiều cánh đồng trồng lúa ở Giang Thành chỗ cao, chỗ thấp. Sau đó, anh quyết định đầu tư máy san phẳng ruộng điều khiển bằng tia laser. Kết quả là những thửa ruộng khi được máy san phẳng năng suất tăng cao; bà con đua nhau thuê máy, anh có nguồn thu nhập ổn định và bắt đầu có lợi nhuận từ năm 2018 để mua thêm 7ha đất trồng lúa.
Năm 2019, anh Vụ chi tầm 460 triệu đồng sắm drone, bay phun thuốc bảo vệ thực vật. Ban đầu người thuê còn khá dè dặt, vì thấy lượng thuốc giảm hơn so với phun thủ công lâu nay. Tuy nhiên, sau 1 vụ lúa hiệu quả từ các cánh đồng dùng drone, nông dân thuê drone tới tấp. Cứ 1 vụ lúa, trừ hết chi phí, anh Vụ thu về 170-200 triệu đồng. Sau một năm hoạt động, anh sắm thêm một drone. Năm 2021, anh bỏ tiếp gần 600 triệu đồng sắm thêm drone, bay gieo sạ giống.
Anh Vụ nói nôm na: “Lâu nay nông dân gieo sạ tay 120-130kg giống/ha; còn drone gieo sạ chỉ 100kg/ha. Lượng giống tiết kiệm cũng na ná như drone phun thuốc, giúp nông dân đủ trả tiền thuê”. Như vậy bộ 3 máy san phẳng ruộng bằng tia laser, drone phun thuốc và drone gieo sạ giống, đủ tạo nên chân dung một nông dân thời @ “3 trong 1”.
PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Viện phó Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, người sản xuất nói chung và nông dân nói riêng dễ dàng tiếp cận nhiều kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật, các máy móc, trang thiết bị mới…
Tỉnh Hậu Giang đang tận dụng nhiều nguồn lực hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ tiên tiến trong sản xuất lúa. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang, trên địa bàn có khoảng 1.500 máy gặt đập liên hợp, máy phun sạ giống, máy cấy, drone phun thuốc bảo vệ thực vật…
Huyện Vị Thủy là nơi có nhiều HTX áp dụng các phương thức sản xuất hiện đại. Điển hình như HTX Nông nghiệp Hai Huynh áp dụng mô hình sản xuất lúa thông minh, gắn với bao tiêu đầu ra cho nông dân. HTX Thuận Tiến lại sử dụng gần 15 máy cấy lúa và các loại drone phun thuốc bảo vệ thực vật phục vụ xã viên, nông dân...
Ông Trương Phú Quốc, Giám đốc HTX Thuận Tiến, chia sẻ: “Xã viên dùng máy cấy lúa luôn bán được giá và lợi nhuận cao hơn. Máy cấy giúp lúa không đổ ngã, năng suất và giá bán cao; nhờ đó nhiều nông dân đăng ký vào HTX”. HTX Tân Long (Hậu Giang) lại là điểm sáng trong sản xuất lúa sạch (áp dụng bón phân hữu cơ theo công thức 70% hữu cơ - 30% vô cơ…) được công nhận chỉ dẫn địa lý. HTX còn bao tiêu thu mua lúa hàng hóa bằng với giá thị trường và cộng thêm 500 đồng/kg lúa.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn Trường ĐH Cần Thơ, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp thông minh… được Chính phủ và các tỉnh thành ĐBSCL đặc biệt quan tâm.
Việc sử dụng drone phun thuốc bảo vệ thực vật, drone sạ lúa, máy cấy… giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh. Với 1,6 triệu hécta đất trồng lúa, hàng năm đóng góp trên 25 triệu tấn lúa, những thay đổi của nông dân miền Tây thời @ thật sự là luồng gió mới thổi vào ruộng đồng.