Lượng du khách Trung Quốc tăng nhanh không phải do “tour 0 đồng”

Khách Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) đang tăng đột biến khiến các nhà hàng, khách sạn tại TP Hạ Long kẹt cứng.
 Còn nhớ cùng thời điểm này năm ngoái, hiện tượng du khách Trung Quốc sang Việt Nam tăng đột biến dẫn tới nhiều biến tướng, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL), Bộ VH-TT-DL xung quanh vấn đề này.
Lượng du khách Trung Quốc tăng nhanh không phải do “tour 0 đồng” ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch 
 ° Phóng viên: Hiện tượng khách du lịch Trung Quốc dồn sang Việt Nam tại cùng một thời điểm liệu có phải xuất hiện hình thức khuyến mãi đặc biệt với cái tên thường gọi là “tour 0 đồng” không hay là xuất hiện các hình thức khác?

° Ông NGUYỄN VĂN TUẤN: Lượng khách Trung Quốc vào du lịch Việt Nam theo đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) tăng cao là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Việt Nam. Hiện tượng này không có gì là bất thường, tại thời điểm này năm ngoái lượng khách Trung Quốc vào Quảng Ninh cũng rất cao, có ngày lên đến 12.000 lượt khách vì đây là thời điểm khách Trung Quốc đi du lịch nhiều.

Tuy nhiên, số lượng buồng, phòng khách sạn tại Hạ Long cũng đã tăng so với năm trước, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có chính sách tránh quá tải khách ở khu vực trung tâm Hạ Long, đưa khách du lịch đến một số điểm đến, sản phẩm mới trên địa bàn.
Khách sang Việt Nam đông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ một số yếu tố. 

Thứ nhất, trong 3 năm trở lại đây, TCDL đã tập trung xúc tiến quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới thị trường Trung Quốc, công tác xúc tiến mỗi năm từ 2 - 3 đoàn giới thiệu, quảng bá, mỗi lần tổ chức 3 - 4 thành phố tại Trung Quốc. Việc xúc tiến quảng bá đã phát huy tác dụng, đã thực sự tạo ra được nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với việc đi du lịch Việt Nam.

Thứ hai, một số thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, lượng khách Trung Quốc giảm vì những lý do chủ quan và khách quan trong một vài năm gần đây. Đó cũng là một yếu tố để khách Trung Quốc chuyển hướng đi du lịch Việt Nam.

Thứ ba, việc áp dụng visa điện tử, visa cửa khẩu cùng với việc áp dụng cơ chế thông thoáng đối với thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, khai thông các đường bay thường lệ và thuê chuyến nối Việt Nam với hàng chục thành phố của Trung Quốc trong những năm gần đây đã góp phần thu hút khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam.

Về bản chất, không có tour nào là “tour 0 đồng”, vì du khách vào Việt Nam đều phải trả chi phí cho các dịch vụ ăn nghỉ, tham quan, vận chuyển… ít nhiều đều đóng góp vào GDP đất nước.

° Du lịch Việt Nam nói chung và các điểm đến được đối tượng khách Trung Quốc ưu tiên lựa chọn như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… có xây dựng phương án đặc biệt gì để vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách mà vẫn ngăn ngừa được thất thoát về kinh tế?

° Khách du lịch Trung Quốc thường đến từ các tỉnh sâu trong nội địa nên họ rất thích đến các đô thị biển của Việt Nam như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang và tới đây sẽ là Phú Quốc, Quy Nhơn… Du lịch Việt Nam cũng đang có kế hoạch thu hút thêm nhiều khách đến khu vực phía Bắc (tam giác Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long).

Việc ngăn chặn sự thất thoát về kinh tế trong hoạt động kinh doanh lữ hành nói chung và thị trường Trung Quốc… nói riêng cần có sự vào cuộc cụ thể, sự quan tâm thường xuyên của các ngành, các cấp, nhất là ngành thuế, quản lý thị trường, xuất nhập cảnh, chính quyền địa phương, người dân… Nếu đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế từ hoạt động du lịch thì sẽ chứng minh rõ sự đóng góp của ngành du lịch đối với nền kinh tế bên cạnh việc tạo ra những nguồn lực cho xã hội như công ăn việc làm, xuất khẩu tại chỗ và khuyến khích, tạo điều kiện cho nhiều địa bàn, ngành kinh tế, dịch vụ phát triển theo.
Quan điểm của ngành du lịch Việt Nam là không phân biệt đối xử đối với bất kỳ thị trường khách du lịch nào và đề nghị xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch cũng như những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử của công dân, tổ chức Việt Nam đối với khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.

° Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, để phục vụ tốt khách du lịch đến từ Trung Quốc, họ có những sản phẩm du lịch, cơ sở dịch vụ riêng phù hợp với đối tượng khách này mà vẫn không ảnh hưởng tới dòng khách khác. Du lịch Việt Nam đã hướng tới phương án này chưa?

° Để khách chi tiêu nhiều, thỏa mãn được các nhiều nhu cầu chính đáng trong khi đi du lịch ở Việt Nam thì Nhà nước và chính quyền địa phương cần có những chính sách tạo điều kiện thông thoáng về thời gian, địa điểm và khuyến khích các thành phần kinh tế cung ứng những sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn, chất lượng hơn phục vụ khách du lịch.
Hiện TCDL đang làm việc với các địa phương để có những chính sách thu hút từng thị trường khách cụ thể đối với từng điểm đến, nhằm đảm bảo tăng trưởng chung của toàn ngành nhưng vẫn phải đảm bảo tính đa dạng, không quá phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, quan tâm cả thị trường quốc tế và nội địa, đảm bảo lợi ích của điểm đến cũng như các nhà đầu tư cơ sở vật chất dịch vụ, luôn lấy chất lượng dịch vụ là hàng đầu, tránh việc tăng trưởng nóng của từng điểm đến vào từng thời điểm cụ thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. 

Bộ VH-TT-DL đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch triển khai trên toàn quốc, đồng thời một số địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lào Cai… đã ban hành những bộ quy tắc ứng xử tại địa phương nhằm tuyên truyền cho du khách, cộng đồng dân cư, hướng dẫn viên, doanh nghiệp, cơ quan liên quan trên địa bàn có những hành vi, ứng xử phù hợp để hoạt động du lịch thực sự góp phần tăng hiệu quả về cả kinh tế và ổn định xã hội tại địa phương.

° Xin cảm ơn ông! 

Xử phạt công ty và hướng dẫn viên để người nước ngoài xuyên tạc lịch sử văn hóa Việt Nam

Chiều 3-4, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Sở Du lịch đã xử phạt Công ty TNHH Du lịch Eviva tại Đà Nẵng về hành vi “không thực hiện đúng trách nhiệm của đơn vị bảo lãnh nhập cảnh người nước ngoài” và để xảy ra việc người nước ngoài thuyết minh xuyên tạc lịch sử Việt Nam. 
Trước đó, tối 28-2, trên Facebook đăng tải clip về người phụ nữ thuyết minh bằng tiếng Trung Quốc cho đoàn khách Trung Quốc tại Bảo tàng Đà Nẵng đã có hành vi thuyết minh làm sai lệch lịch sử, văn hóa Việt Nam. Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp xác minh và xác định người phụ nữ thuyết minh xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam trong clip tên là Wang Jihong (quốc tịch Trung Quốc, sinh năm 1970, số hộ chiếu E49119390) được Chi nhánh Công ty TNHH Du lịch Eviva tại Đà Nẵng bảo lãnh gia hạn tạm trú đến ngày 23-3-2018 với mục đích du lịch. Ngày 26-2, bà Wang Jihong có lời thuyết minh sai lệch về lịch sử và văn hóa Việt Nam cho nhóm khách gồm 4 người. Bà Wang Jihong đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ ngày 2-3. 

Sở Du lịch Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đưa trường hợp bà Wang Jihong vào diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam và xem xét lại việc thực hiện bảo lãnh nhập cảnh cho khách du lịch của Chi nhánh Công ty TNHH Du lịch Eviva tại Đà Nẵng.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng xác minh, đơn vị thực hiện chương trình du lịch cho 4 khách trên là Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Uyên Hùng 79 (Đà Nẵng). Thanh tra Sở Du lịch Đà Nẵng đã xử phạt 12,5 triệu đồng đối với hướng dẫn viên Trần A Hùng của Công ty Uyên Hùng 79 về hành vi “Không quản lý khách du lịch theo hợp đồng hoặc chương trình mà doanh nghiệp lữ hành đăng ký”; lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt 4 triệu đồng đối với Công ty Uyên Hùng 79 về hành vi “Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định”.
NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục