Theo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) giai đoạn 2016-2021 do Ủy ban Xã hội tiến hành, trong giai đoạn 2016-2021, số tham gia BHXH đạt gần 16.547.000 người (trong đó số tham gia BHXH bắt buộc là 15.097.007 người), chiếm khoảng 33,8% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Bên cạnh đó, số người tham gia bảo hiếm thất nghiệp (BHTN) là 13.394.943 người; lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia BHTN mới đạt 29,76%.
Kết quả giám sát cho thấy, số thu BHXH năm 2021 đạt hơn 269.100 tỷ đồng. So với năm 2016, tương ứng với số tăng đối tượng là 26,74% và tăng thu 53,26%.
Trong đó, mức lương bình quân tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2021 là 5.698.469 đồng, tăng 32% so với năm 2016, tuy nhiên, tính theo giai đoạn thì hàng năm cũng chỉ tăng khoảng 6% (đã loại trừ năm 2021 không tăng tiền lương). Cơ quan giám sát nhấn mạnh, như vậy, mức tăng chỉ tương ứng với mức tăng lương tối thiểu vùng.
Đáng lưu ý, mức lương bình quân tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện năm 2021 là 1.282.521 đồng, giảm gần 40% so với năm 2016.
Ở nhóm tham gia BHXH bắt buộc, so với năm 2016, tỷ lệ tăng đối tượng là 17,47% và tỷ lệ tăng thu là 51% (gần gấp 3 lần so với tỷ lệ tăng đối tượng).
Tuy nhiên, ở nhóm tham gia BHXH tự nguyện so với năm 2016 dù đều có xu hướng tăng rất nhanh cả về đối tượng và số thu, nhưng về xu hướng tỷ lệ thì hoàn toàn ngược lại, tỷ lệ tăng đối tượng tham gia đạt 611,15% nhưng tỷ lệ tăng thu chỉ ở mức 412,2%.
Đáng chú ý là mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện năm 2021 đang thấp hơn mức chuẩn nghèo và có xu hướng ngày càng giảm.
Báo cáo nhận định: "Về nguyên lý và theo các quy định hiện nay, sẽ dẫn đến việc các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sau khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì nhiều khả năng vẫn tiếp tục cần sự hỗ trợ của Nhà nước, do lương hưu được hưởng sẽ thấp hơn mức sống trung bình của địa phương".
Cơ quan giám sát cũng lưu ý, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số tiền chậm đóng BHXH năm 2021 lên đến 7.700 tỷ đồng, tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với năm 2016 và tăng nhanh từ khi có dịch bệnh Covid-19 (năm 2020 là hơn 9.200 tỷ đồng, tăng 1.800 tỷ đồng so với năm 2019 là 7.400 tỷ đồng).
Rút sớm bảo hiểm một lần cũng là vấn đề đáng quan ngại. Năm 2016, số lượng người hưởng BHXH một lần chỉ ở mức hơn 500.000 người, thì đến năm 2021 con số này đã lên tới 863.446 người, trong đó 98,8% số người hưởng chế độ BHXH một lần theo quy định không tham gia, không đóng BHXH trong 1 năm. Đặc biệt năm 2020 và 2021, do tác động của đại dịch Covid-19 thì số người hưởng chế độ BHXH một lần cao hơn rất nhiều so với số đối tượng phát triển được thêm. Bên cạnh đó, số người tái tham gia BHXH theo thống kê sơ bộ cũng chỉ có khoảng 140.000 người, chiếm tỷ lệ 3,5% tổng số người đã hưởng chế độ BHXH một lần. Quan trọng hơn là hiện chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này.