Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, công suất tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày 2-6 lại tiếp tục lập đỉnh mới là 41.558MW.
Như vậy, nếu so với mức đỉnh năm 2020 thì công suất đỉnh toàn quốc ngày 2-6 đã cao hơn tới hơn 3.200MW, tức là tương đương với mức tổng công suất của cả 2 nhà máy thủy điện Sơn La (2.400MW) và thủy điện Lai Châu (1.200MW).
Theo báo cáo của EVN, kỷ lục phụ tải của toàn hệ thống điện quốc gia được xác lập vào ngày 31-5 là 850,3 triệu kWh. Tuy nhiên đến ngày 1-6, sản lượng tiêu thụ điện trên cả nước lại lập mức kỷ lục mới với con số là 880,3 triệu kWh, tăng tới gần 25% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng hơn 15% so với trung bình tuần trước đợt nắng nóng.
Nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm các thiết bị trên lưới điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải. Trong mấy ngày qua, nắng nóng gay gắt cũng làm một số tổ máy nhiệt điện ở miền Bắc bị suy giảm công suất, trong đó nguyên nhân cơ bản là do nhiệt độ nước làm mát bị tăng cao. Nắng nóng gay gắt, độ ẩm rất thấp còn tăng nguy cơ cháy rừng, ảnh hưởng đến sự an toàn của các đường dây truyền tải điện.
Theo phản ánh của người dân, ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng mất điện, bị cúp điện.
EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và cơ sở sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, nhất là từ 11 giờ 30 đến 15 giờ và từ 20 giờ đến 23 giờ.
Để thực hiện tiết kiệm điện vào những ngày nắng nóng gay gắt cao điểm, trụ sở làm việc của tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại địa bàn miền Bắc đã chủ động tiết giảm 100% điện chiếu sáng tại khu vực công cộng và giảm 50% điện chiếu sáng tại các khu vực làm việc, đồng thời tiết giảm ít nhất 50% điện cho điều hòa nhiệt độ.
EVN tiếp tục kêu gọi người dân sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ C trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ về điện.