Luôn phải giám sát, đánh giá hệ thống giáo dục đại học

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ bắt đầu, sau đó là kỳ tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đã chia sẻ với phóng viên Báo SGGP một số vấn đề cần lưu ý về kỳ tuyển sinh năm nay.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT)
PHÓNG VIÊN: Dư luận cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT chủ trương ra đề thi giảm bớt độ khó cũng như thời lượng làm bài thi so với 2019. Nếu các trường dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, liệu chất lượng đầu vào có đảm bảo?

Bà NGUYỄN THỊ THỦY: Về cơ bản, quy chế năm nay không có thay đổi nhiều so với các năm trước. Bài thi tốt nghiệp THPT vẫn có độ phân hóa, đánh giá được học sinh đạt chuẩn, trên chuẩn (chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục THPT). Kỳ thi có sự chuẩn bị kỹ càng, rút kinh nghiệm điều chỉnh từng năm với sự giám sát của cơ quan chức năng và toàn xã hội. Vì thế, tôi cho rằng, không nên quá lo lắng với chất lượng nguồn tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp năm nay.

Bên cạnh đó, mặc dù điểm đầu vào cũng là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định chất lượng đầu ra, nhưng đó không phải là tất cả. Thực tế, hiện nay học sinh đã tốt nghiệp THPT là có thể có cơ hội vào học ĐH hoặc CĐ, hoặc học nghề… Nhưng trong quá trình học, nếu không đáp ứng được thì các em cũng sẽ bị đào thải, không thể tốt nghiệp. Cùng với công tác kiểm định cũng như các công cụ quản lý nhà nước, uy tín, thương hiệu của mỗi trường đã và đang gây dựng sẽ vừa là động lực, vừa là thách thức khiến các trường phải luôn nỗ lực để đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra, phục vụ cho nhu cầu của thị trường lao động. Cơ sở giáo dục ĐH chọn phương án tuyển sinh nào, cách thức tổ chức tuyển sinh ra sao, cũng sẽ phần nào cho xã hội thấy, họ là ai và ở đâu trong hệ thống giáo dục ĐH quốc gia. 

Năm nay, nhiều trường ĐH tiếp tục có hình thức xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học bạ. Dư luận cũng lo chất lượng đầu vào, nhiều trường học bạ “rất đẹp” nhưng chất lượng chưa chắc đã cao?

Các trường ĐH đều sử dụng kết hợp nhiều phương thức thi tuyển, xét tuyển để tuyển sinh. Không chỉ sử dụng kết quả học tập ở bậc THPT, các trường sẽ kết hợp với các phương thức tuyển sinh khác, như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, sơ tuyển, phỏng vấn, bài thi đánh giá năng lực, chứng chỉ chuẩn hóa quốc tế… Năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu công khai kết quả học tập bậc THPT, đồng thời công bố công khai điểm thi và phổ điểm của điểm thi tốt nghiệp THPT để đối chiếu, so sánh. Do đó, nếu kết quả thi quá vênh với kết quả học tập bậc THPT thì chắc chắn cũng đặt dấu hỏi cho các trường ĐH khi tuyển sinh. 

Về phía các trường, việc lựa chọn hình thức tuyển sinh nào là quyền tự chủ của các trường ĐH; có trách nhiệm giải trình về chất lượng nguồn tuyển, về các phương thức tuyển sinh của mình. Cơ sở giáo dục ĐH vi phạm sẽ có chế tài theo luật định, theo đó có thể bị dừng đào tạo hoặc dừng tuyển sinh 5 năm. 

Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) của ngành sư phạm và y dược, các ngành khác để các trường tự quyết định. Vậy, Bộ GD-ĐT làm gì để kiểm soát nhằm bảo đảm điểm sàn của các trường không quá thấp? 

Thực hiện Luật Giáo dục ĐH, hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với 2 nhóm ngành: đào tạo giáo viên và nhóm ngành về sức khỏe. Tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH. Chất lượng nguồn tuyển đầu vào là để đảm bảo thí sinh có thể theo học ngành nghề đào tạo một cách tốt nhất. Nếu bản thân các trường cố tình tuyển không đúng, hoặc chất lượng quá thấp theo yêu cầu của ngành nghề đào tạo thì sản phẩm đầu ra cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, hoặc thậm chí các em sinh viên không thể tốt nghiệp. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của các trường và về lâu về dài, sẽ không còn uy tín để tuyển sinh nữa. Chúng ta nên nhớ xã hội luôn giám sát, đánh giá hệ thống giáo dục ĐH và bản thân thị trường lao động cũng luôn rất minh bạch, công bằng trong việc đánh giá sản phẩm đầu ra của các trường.

Quy chế tuyển sinh 2020 cũng đã bổ sung quy định các trường chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý nhà nước, với xã hội về cơ sở, luận cứ khoa học, quy trình xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và các tổ hợp tuyển sinh phù hợp với ngành đào tạo hay không.  

Nhưng nếu thực tế diễn ra là các trường xác định điểm đầu vào quá thấp, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, có thể lãng phí trong đào tạo thì bộ có điều chỉnh quy định này không?

Trường tự chủ tuyển sinh nhưng cũng gắn liền với trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch thông tin. Tự chủ thì không có nghĩa là “muốn làm thế nào thì làm”. Đi kèm với đó là công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý, các cơ quan chức năng và chịu giám sát của toàn xã hội. Điều này cũng tương tự như việc Bộ GD-ĐT quy định các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức tuyển sinh riêng. Theo đó, để tổ chức 1 kỳ thi tuyển sinh, các trường ĐH phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự (bộ phận chuyên trách khảo thí có trình độ, kinh nghiệm), cơ sở hạ tầng (phòng ốc, máy tính, phần mềm…)… Đây là những điều kiện căn bản, tối thiểu để tổ chức tuyển sinh thành công, chất lượng, đảm bảo quyền lợi của các thí sinh, công bằng xã hội. Những quy định đưa ra là để tăng cường công cụ quản lý nhà nước, đảm bảo việc tuyển sinh diễn ra nghiêm túc, đúng quy định, chất lượng. 

Thưa bà, năm nào bộ cũng yêu cầu các trường chỉ gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đáp ứng đủ các điều kiện tuyển sinh theo quy định (có giấy chứng nhận đã tốt nghiệp THPT) nhằm tránh trường hợp chưa tốt nghiệp THPT đã có giấy thông báo trúng tuyển. Thực tế thì tình trạng này vẫn diễn ra, thậm chí có trường  yêu cầu thí sinh nộp tiền “đặt chỗ”?

Tự chủ tuyển sinh là quyền của các trường, nhưng Bộ đã yêu cầu rất rõ ràng như vậy. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường và bên liên quan tham gia công tác tuyển sinh theo các quy định hiện hành, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Tin cùng chuyên mục