
Trong những năm hoạt động ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết bạn với rất nhiều người. Một trong số đó là Raymond Aubrac. Aubrac sinh năm 1914 tại Lyon. Ông từng cực lực lên án cuộc chiến tranh ở Đông Dương và đã giúp đỡ hàng nghìn lao động đến từ Đông Dương, nhất là Việt Nam. Ở tuổi 90, Raymond Aubrac vẫn luôn nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ong Aubrac nhớ lại: “Cuộc gặp đầu tiên diễn ra ngày 27-7-1946 trong buổi tiếp do Việt kiều tổ chức để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị thượng khách của nước Pháp, khi cuộc đàm phán ở Fontainebleau đang gặp khó khăn. Qua đám đông, tôi nhìn thấy một người có nụ cười tươi, chòm râu ấn tượng và đôi mắt tinh anh trên khuôn mặt có đôi gò má cao”. Hồ Chí Minh nói với tôi: “Ông Aubrac, tôi biết những gì ông đã làm giúp đồng bào tôi ở Marseille cách đây 2 năm và tôi xin cảm ơn ông”.

Sau đó, ông Aubrac đã mời Người về ở nhà mình ở khu ngoại ô Soisy-sous-Montmorency, vì Người không thích ở trong lâu đài do Chính phủ Pháp thu xếp. “Gia đình tôi lúc đó rất tự hào vì được đón tiếp một vị nguyên thủ quốc gia, một chiến sĩ cách mạng kiên cường có vị trí cao trong hàng ngũ những người đấu tranh cho phong trào cộng sản quốc tế. Trong khoảng thời gian 6 tuần ở lại cùng gia đình, Bác Hồ có các mối quan hệ bình dị nhất với tất cả mọi người, dù đó là những vị bộ trưởng hay nông dân.
Thật là con người siêu phàm theo đúng nghĩa của từ này! Mỗi người đều thấy thoải mái. Không bao giờ Người tạo khoảng cách như một số người tự biết hoặc tự cho mình là nhà lãnh đạo, nhân vật nổi tiếng. Mỗi sáng, người ta mang đến cho Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều báo. Không chỉ các báo của Pháp mà còn cả báo Anh, báo Đức, Mỹ và Nga.
Bác Hồ ngồi trên thảm cỏ, giữa những vị khách đầu tiên, thích thú lướt qua những dòng tin. Ông thường xuyên đi thăm trang viên và trở về với những bó hoa tươi”. Cũng thời gian này, vợ ông Aubrac, bà Lucie, sinh cô con gái Elisabeth, tên gọi thân mật ở nhà là Babette, tại nhà hộ sinh Port-Royal. Vài ngày sau, các cô y tá vào báo rằng có một vị khách lạ đến thăm mang theo rất nhiều hoa và kẹo, và họ biết rằng ông ấy rất nổi tiếng vì hình ảnh ông xuất hiện trên tất cả các báo.
Bác Hồ đã bế đứa bé trên tay và quyết định nhận làm cha đỡ đầu cho bé (tất nhiên không theo nghi thức tôn giáo). “Không chỉ nói suông, tất cả các sinh nhật của Babette lúc Bác còn sống, ngay cả khi cuộc chiến mà Người đang theo đuổi vào giai đoạn quyết liệt nhất, Người cha đỡ đầu vẫn tìm cách gửi quà hoặc một vật kỷ niệm cho con gái nuôi”.
Mối quan hệ giữa Raymond Aubrac với Bác Hồ ngày càng trở nên mật thiết. Cứ sau mỗi cuộc gặp với vị Chủ tịch đáng kính, Aubrac lại khám phá thêm một phẩm chất cao quý ở Người. Cuộc gặp cuối cùng diễn ra ở Hà Nội vào tháng 8-1967, khi Raymond có nhiệm vụ là người chuyển tin tới Bác Hồ lời đề nghị của Pugwash theo sáng kiến của Henry Kissinger về các điều kiện để hai bên có thể đàm phán.
Trong lần gặp này, Bác Hồ cũng không quên thăm hỏi từng thành viên trong gia đình Aubrac. Bác tỏ ý tiếc khi biết tin căn nhà xưa ở Soisy-sous-Montmorency đã bị bán đi. Bác gửi tặng Babette một xấp vải lụa Việt Nam để cô may váy cưới. “Tôi rất xúc động khi nhận thấy Bác đã thay đổi nhiều kể từ cuộc gặp gần nhất giữa hai chúng tôi tại Bắc Kinh hồi năm 1955. Bác gầy đi nhiều, chòm râu trắng xóa, tuy các cử chỉ kém nhanh nhẹn nhưng ánh mắt vẫn còn tinh anh lắm”.
Và đó cũng là lần cuối cùng Raymond Aubrac gặp lại người bạn lớn Hồ Chí Minh đáng kính nhưng cũng rất đỗi thân quen, gần gũi. Với ông, “Bác Hồ là con người khác thường mà không ai có thể so sánh được. Bác Hồ là một chính trị gia lỗi lạc và là một nhà văn hóa lớn. Bác mất đi là một tổn thất lớn, không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới”. Sau này, ông Aubrac có đến Hà Nội vào dịp cuối tháng 4-1975. Ông đã chứng kiến bầu không khí sôi nổi, hào hùng khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi. “Tôi nhớ đến bạn tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã hy sinh cả đời mình để đấu tranh cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước”.
LÊ VÂN
(Theo AVI)