Lược bỏ vân tay trên căn cước công dân

Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật Căn cước (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật Căn cước (sửa đổi)

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay 14-4, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, qua hơn 7 năm triển khai thi hành, Luật Căn cước công dân năm 2014 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là cần được sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.

Đáng lưu ý, liên quan đến nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...

“Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này”, người đứng đầu Bộ Công an giải thích.

Trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 và bổ sung theo hướng việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin đã cấp thẻ căn cước lần gần nhất để cấp lại thẻ căn cước cho người dân.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Một số điểm mới khác sẽ được áp dụng khi dự thảo Luật được thông qua liên quan đến thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; về căn cước điện tử; về trách nhiệm quản lý căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước; về điều khoản thi hành; về quy định chuyển tiếp; về người được cấp thẻ căn cước; về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước…

Hiện nay, Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ, nên việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân cơ bản không tác động đến người dân. Quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ căn cước và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân sử dụng thẻ căn cước gắn chíp điện tử.

Qua thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành luật sửa đổi. Hồ sơ dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới lưu ý, một số quy định trong dự thảo Luật liên quan trực tiếp đến bí mật đời tư cá nhân, liên quan đến quyền con người được quy định trong Hiến pháp 2013 và các quy định của pháp luật hiện hành. Để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát để chỉnh lý dự thảo Luật.

Tin cùng chuyên mục