Lúng túng trong xác định lĩnh vực ưu đãi hoặc hạn chế đầu tư

Sáng nay, 11-8, ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Lúng túng trong xác định lĩnh vực ưu đãi hoặc hạn chế đầu tư

(SGGPO).- Sáng nay, 11-8, ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Những ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh sẽ được quy định cụ thể

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, hiện còn 9 nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong đó, đáng lưu ý là việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bỏ quy định này (do đã được quy định tại pháp luật về quản lý ngoại hối) thu hẹp đối tượng được bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ.

Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, có nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể các lĩnh vực cấm đầu tư, chi tiết danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện vào dự án luật. Một số ý kiến đề nghị quy định danh mục cấm đầu tư và danh mục cấm kinh doanh vào một danh mục và quy định trong Luật Đầu tư để tránh chồng chéo. Cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành danh mục cấm đầu tư. Ý kiến khác đề nghị giao cho Chính phủ quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của luật...

Qua nghiên cứu các ý kiến đóng góp, Ủy ban Kinh tế yêu cầu các cơ quan có liên quan đang tiến hành rà soát các quy định của pháp luật về ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện, xem xét loại bỏ các quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Quy định về các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp mà còn áp dụng đối với các đối tượng khác như hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và các hợp đồng hợp tác kinh doanh, dự án hợp tác công - tư (PPP)…

“Sau khi hoàn thiện, danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh sẽ được quy định cụ thể tại Điều 5 của dự thảo luật. Đồng thời, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định tiêu chí, nguyên tắc để xác định danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và giao Chính phủ rà soát, tập hợp, công bố Danh mục này sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến (Điều 6 và Điều 7 của dự thảo Luật)”, ông Giàu phát biểu.

Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư là một lĩnh vực cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu và chỉnh lý theo hướng quy định rõ nguyên tắc và hình thức, đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, bổ sung và chỉnh lý Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư, quy định rõ điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, quy định các hình thức và điều kiện áp dụng các chính sách hỗ trợ đầu tư...

Đối với những dự án quy mô lớn, có tính chất đặc biệt quan trọng hoặc dự án thực hiện tại khu kinh tế đặc biệt, dự Luật giao Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ưu đãi đầu tư khác với các ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật này trong trường hợp Nhà nước cần khuyến khích.

Sản xuất dụng cụ y tế tại Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) tại KCX Tân Thuận. Ảnh: Cao Thăng

Chưa khuyến khích đầu tư ra nước ngoài

Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài, Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam chưa tự do hóa các giao dịch vốn, đang rất cần vốn để đầu tư phát triển kinh tế thì chưa nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Vì vậy, việc bỏ hoàn toàn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp, nhất là để quản lý, kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với những dự án đầu tư ra nước ngoài, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài và quy định về việc kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Một nội dung quan trọng khác có liên quan đến việc bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật.  Dự thảo quy định theo hướng loại trừ không áp dụng nguyên tắc không hồi tố trong trường hợp thay đổi pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…

Ủy ban Kinh tế cho rằng nội dung này phù hợp với quy định của Hiến pháp và cũng phù hợp với những cam kết quốc tế. Ngoài ra, để bảo đảm bình đẳng trong việc áp dụng nguyên tắc không hồi tố giữa nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và nhà đầu tư không thuộc diện phải thực hiện thủ tục này, cơ quan thẩm tra đề xuất áp dụng nguyên tắc không hồi tố đối với ưu đãi và điều kiện đầu tư cho tất cả các nhà đầu tư.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật đã bổ sung một mục mới tại Chương IV về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo đó, quy định rõ loại dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh với các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, bổ sung quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng chuẩn hóa và cải cách thủ tục hành chính. 

Về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sử dụng đất, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng: Cơ quan quản lý đầu tư thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với việc xem xét giới thiệu địa điểm, cung cấp thông tin quy hoạch, thẩm tra nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

“Áp dụng đồng thời các thủ tục nêu trên sẽ giúp tiết kiệm thời gian do nhà đầu tư không phải tiến hành lần lượt từng thủ tục liên quan đến việc sử dụng đất như quy định hiện hành”, đại diện cơ quan thẩm tra giải thích.

* Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Hài hòa giữa tự do kinh doanh và yêu cầu quản lý nhà nước

Nhiều vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về sửa đổi Luật Doanh nghiệp vừa được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối buổi sáng nay, 11-8.

Về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh, ông Giàu cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong luật những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Có ý kiến đề nghị chỉ quy định trong luật những ngành, nghề cấm kinh doanh còn các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nên để Nghị định Chính phủ quy định.

Siết chặt việc ban hành mới điều kiện kinh doanh

Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu theo hướng: quy định trong Luật danh mục những ngành, nghề cấm kinh doanh. Đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, luật chỉ quy định về thẩm quyền, hình thức văn bản và tiêu chí điều kiện kinh doanh của các ngành, nghề đó. Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện giao Chính phủ ban hành, trừ những ngành, nghề được quy định trong các luật, pháp lệnh chuyên ngành.

Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất và tính hợp lý, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước nhưng không gây khó khăn cho doanh nghiệp, dự án luật quy định việc ban hành mới điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: quy định mới về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chỉ có hiệu lực pháp lý sau khi được đăng ký thay đổi, bổ sung vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được công bố công khai trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Chính phủ ban hành danh mục và định kỳ rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những điều kiện quy định trong luật, pháp lệnh.

Về doanh nghiệp xã hội (DNXH), ông Giàu cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng không quy định về DNXH trong dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Tuy nhiên, để có cơ sở pháp lý cho việc ban hành những chính sách đặc thù, mang tính hỗ trợ cho DNXH, đề nghị quy định về ưu đãi, khuyến khích đối với DNXH trong dự án Luật Đầu tư khi doanh nghiệp đăng ký và triển khai thực hiện các mục tiêu vì xã hội, môi trường.

Đề nghị không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy đăng ký doanh nghiệp

Theo Luật doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, về thực chất, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề đã đăng ký. Nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh các ngành, nghề chưa ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải làm thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận; nếu kinh doanh ngành, nghề không ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì hoạt động kinh doanh bị coi là trái phép.

“Quy định như vậy là không còn phù hợp với Điều 33 của Hiến pháp mới, theo đó, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, ông Nguyễn Văn Giàu bình luận. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Quy định này được coi là sẽ giúp giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, giảm rủi ro, tăng tính an toàn pháp lý và tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình.

Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp sở hữu ít nhất 51% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty.

Theo cơ quan thẩm tra, trong tình hình hiện nay, việc coi doanh nghiệp có từ 51% vốn nhà nước là DNNN và do đó bị chi phối bởi các quy định về DNNN không còn phù hợp với xu hướng tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN để áp dụng quản trị doanh nghiệp hiện đại và bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp. Dự thảo Luật trình lần này quy định DNNN là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước. Việc đại diện chủ sở hữu nhà nước quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Việc quản trị DNNN sẽ được quy định trong Luật Doanh nghiệp.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục