Methadone “bất lực”
Ngay sau khi TPHCM bóc gỡ đường dây mua bán, vận chuyển 300kg ma túy tổng hợp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chất vấn lãnh đạo Sở LĐTB-XH TPHCM: “Bây giờ giải pháp cai nghiện ma túy phải ra sao khi điều trị bằng thuốc Methadone không còn tác dụng với ma túy “đá” (chỉ có tác dụng điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện - PV)?”
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Thanh Khiết thừa nhận, tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp (hàng “đá”) đang chiếm tỷ lệ đến 70% trong số người đang cai nghiện tại các cơ sở. Với người nghiện ma túy tổng hợp thì phương pháp điều trị thay thế bằng Methadone quả thật không có tác dụng.
Tại TPHCM, cai nghiện bằng Methadone được thực hiện từ năm 2008 và mục tiêu áp dụng cho 8.000 người vào năm 2015. Hiện nay, tại 23 cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn TPHCM có khoảng 5.500 người tham gia điều trị.
Vì thế, có thể dùng Methadone để điều trị thay thế, giúp người nghiện giảm sự thèm nhớ heroin, hội chứng cai thuốc nhẹ nhàng hơn; từ đó tiến tới dứt bỏ ma túy, cả heroin và Methadone.
Tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy Thủ Đức đang có khoảng 300 người điều trị bằng Methadone; trong đó có 200 người duy trì liều ổn định, 90 người đang trong giai đoạn dò liều. Tùy theo cơ địa và tình trạng nghiện của mỗi người, lượng uống Methadone dao động từ 5 - 23mg/liều/ngày và giảm dần lượng uống.
“Nhiều người chích heroin ngày 3 - 5 cữ, mỗi cữ cả trăm ngàn đồng, một tháng tiêu tốn 15 - 16 triệu đồng. Chưa nói trường hợp nghiện nặng, mỗi cữ sử dụng tốn cả triệu đồng và tàn phá sức khỏe, tinh thần ghê gớm. Trong khi đó, điều trị nghiện thay thế bằng chất Methadone, mỗi người chỉ tốn chưa tới 350.000 đồng/tháng. Thời gian đầu có hơi vất vả đôi chút, sau đó sẽ ổn định, giảm cơn thèm heroin, có thể đi học, đi làm bình thường”, bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ.
Theo bác sĩ Hùng, việc triển khai điều trị nghiện bằng thuốc Methadone đã có những kết quả nhất định, có hiệu quả trong việc chống tái sử dụng heroin và các chất dạng thuốc phiện. Riêng tại cơ sở có 5 người uống Methadone ở mức rất ít, chỉ 0,1mg/lần/ngày và được cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình điều trị, không còn nghiện ma túy.
Tuy nhiên, trước xu hướng sử dụng ma túy “đá” ngày càng nhiều như hiện nay, bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng phân tích, Methadone chỉ có tác dụng với người nghiện các chất thuốc phiện, heroin và không có tác dụng với người “đập đá”.
Người nghiện heroin, khi “đói thuốc” thì vật vã, sẵn sàng gây án để có tiền mua ma túy. Ngược lại, người sử dụng ma túy tổng hợp khi “no thuốc” sẽ bị kích thích tột độ, tăng động, ảo giác, không kiểm soát được hành vi và có thể hủy hoại chính bản thân mình hoặc “xử” người khác.
Trong khoa học, có thể dùng Methadone để giải độc, giảm cơn thèm heroin, nhưng không thể làm tương tự với người nghiện ma túy tổng hợp. Nếu dùng Methadone sẽ dẫn đến hậu quả không những không cai nghiện được ma túy tổng hợp, mà còn… nghiện luôn Methadone, thậm chí nghiện ma túy mạnh hơn là heroin.
Theo bác sĩ Hán Thị Hồng Tuyến, Trưởng phòng Y tế Cơ sở xã hội Nhị Xuân, có rất nhiều trường hợp cai được heroin nhưng nay lại chuyển sang chơi ma túy “đá”. Thậm chí có người vừa sử dụng đồng thời heroin vừa uống Methadone vừa “đập đá”. Những trường hợp này thường khó cắt cơn.
Cai nghiện tại gia, cộng đồng không hiệu quả
Ông Trần Đức Thọ, Chủ tịch UBND phường 7, quận 6, TPHCM, thẳng thắn nhìn nhận, việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng rất ít hiệu quả. “Kết quả cai nghiện tại gia đình và cộng đồng không đạt như mong muốn. Bởi không thể tách người nghiện ra khỏi môi trường có quá nhiều cạm bẫy, cám dỗ, có thể mua ma túy dễ dàng và còn nhiều điểm “nóng” về ma túy”, ông Đức Thọ nhận xét.
Cũng theo ông Thọ, về mặt quy trình, khi phát hiện đối tượng nghiện ma túy thì UBND phường lập hồ sơ đưa đi cắt cơn giải độc trong 15 ngày, khi về mới áp dụng Nghị định 94/2010 của Chính phủ cho cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.
Nhưng thực tế việc này không hiệu quả. Bởi đi cắt cơn rồi trở về, bạn bè, môi trường vẫn còn nguyên đó với đầy cám dỗ, việc tái sử dụng ma túy gần như là tất yếu. Phải đến khi test lần thứ hai và cho kết quả dương tính với các loại ma túy thì phường mới lập hồ sơ chuyển sang tòa án để tòa xem xét, quyết định đưa đi cai nghiện tập trung.
Tuy nhiên, lỗ hổng chính là ở đây. Trong thời gian lập hồ sơ chờ quyết định của tòa án, đối tượng được giao về gia đình quản lý và thường hay bỏ trốn. Ở phường 7 đã có vài trường hợp bỏ trốn trong khi chờ quyết định của tòa, UBND và công an phường phải tốn rất nhiều công sức mới tìm thấy và đưa đi cai nghiện.
Về cai tại gia đình, cộng đồng, ông Trần Xuân Viên, Phó Đội trưởng Đội Cai tự nguyện, Cơ sở xã hội Nhị Xuân, cho rằng hiện nay nguồn cung ma túy quá nhiều. Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thì không tách được người nghiện ra khỏi môi trường, nên sẽ rất khó khăn. Có những trẻ bị thương ở chân không đi được, nhưng vẫn có người đem “hàng” tới tận nơi.
“Vậy nên xã hội và môi trường rất quan trọng. Nếu địa bàn không trong sạch, tiềm ẩn nguồn cung ở đâu đó, sẽ cám dỗ các em rất nhiều”, ông Viên trăn trở.
Chưa có phác đồ điều trị nghiện “đá” Người nghiện ma túy tổng hợp tiếp tục có chiều hướng gia tăng, nhưng đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị hiệu quả. Bác sĩ ở các cơ sở cai nghiện cho biết, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với ma túy “đá”, chưa có phác đồ điều trị. Vì thế, tại cơ sở cai nghiện, chỉ tập trung điều trị triệu chứng: ai bị hoang tưởng thì điều trị hoang tưởng, ai bị ảo giác thì điều trị ảo giác, bị trầm cảm thì điều trị trầm cảm, kết hợp tăng cường bồi dưỡng sinh lực… Gần 10 năm qua, TPHCM chỉ có gần 4.800 người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; trong đó có hơn 4.300 trường hợp hoàn thành thời gian cai nghiện hay chết vì bệnh hoặc chuyển địa phương khác sinh sống… Hiện chỉ có 453 người đang tham gia cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng. |
Nói về khó khăn trong công tác cai nghiện, theo ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, thời gian tới, việc cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện giảm còn 6% số người trong tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; đồng thời, tăng cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy, người nghiện ma túy tổng hợp chiếm đến 70% tổng số người nghiện ma túy.
Họ thường loạn thần, không làm chủ được hành vi, dễ bị kích động, gây khó khăn trong công tác quản lý và mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Việc cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng còn hạn chế, bất cập, thực sự là một thách thức lớn.
Cử tri đề nghị xem lại việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng Chiều 4-7, Thường trực HĐND TPHCM giao ban với các Tổ đại biểu HĐND TPHCM về các vấn đề cử tri quan tâm. Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, tóm lược 10 nhóm vấn đề nổi bật cử tri quan tâm. Trong đó, cử tri bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh trật tự, tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy diễn ra phức tạp. Theo cử tri, trước đây việc cai nghiện ma túy tập trung được TPHCM thực hiện rất hiệu quả. TP đẩy mạnh cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và kết quả của công tác cai nghiện theo hình thức này không hiệu quả, cần xem lại. Bên cạnh đó, cử tri quan tâm các vấn đề về hiệu quả của chương trình chống ngập nước; tiến độ thực hiện các dự án, quy hoạch “treo”; thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm… Ông Phạm Đức Hải cho biết, trong các vấn đề này, HĐND TPHCM sẽ lựa chọn một số vấn đề “nóng” để đại biểu chất vấn lãnh đạo sở ngành trong kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 15 (Khóa IX) sắp tới. MẠNH HÒA |