Tại thời điểm đó nhiệm kỳ của ông Thanh đã chấm dứt vào ngày 13-3-2019 và nhà trường đang thực hiện quy trình bổ nhiệm lại trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước.
Trường hợp PGS-TS Nguyễn Thị Thủy cũng có đơn “Đề nghị được thôi chức vụ” ngày 3-5-2019, nhưng sau đó bà Thủy có nguyện vọng xin rút đơn đã nộp. Từ đó đến nay, bà Thủy vẫn làm việc bình thường với chức vụ Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Quản trị.
Riêng vấn đề bà Thủy nêu có tin nhắn đe dọa, miệt thị bà, lãnh đạo nhà trường đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị xác minh các hành vi nhằm bảo vệ danh dự cho giảng viên ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu của bà Thủy.
Ngoài thông tin trên, hiện nay Trường ĐH Luật TPHCM đang đối mặt với những thông tin lùm xùm khác, như: theo thông báo số 556/TB-KTNN ngày 24-8-2018 của Kiểm toán Nhà nước kết luận Trường ĐH Luật TPHCM đã có nhiều sai sót, bất cập, hạn chế.
Về tình hình hoạt động thu, chi sự nghiệp và dịch vụ: đối với thu học phí, còn thu vượt định mức quy định 6.870 triệu đồng chưa thực hiện đúng quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP và Quyết định số 521/QG-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-4-2017 (năm học 2016-2017: 5.311,3 triệu đồng; năm học 2017-2018: 1.558,7 triệu đồng).
Nguyên nhân chính của việc thu tăng học phí là do thu học phí tại các lớp đào tạo chất lượng cao trường chưa xây dựng đề án trình Bộ GD-ĐT phê duyệt. Ngoài thu vượt định mức học phí như đã nêu ở trên đơn vị còn thu vượt học phí học lại, đồng thời chưa công khai mức thu trên trang mạng của trường, số tiền 205,9 triệu đồng; thu vượt lệ phí tuyển sinh theo quy định số tiền 84 triệu đồng.
Về trích quỹ học bổng, trường chưa thực hiện trích lập quỹ học bổng khuyến khích học sinh sinh viên từ nguồn học phí, lệ phí để chi trả theo quy định. Đồng thời, tổng số nợ đọng học phí năm 2017 (học kỳ 1 năm học 2017-2018) là 2.099,4 triệu đồng của 242 học viên.
Về liên kết đào tạo với các cơ sở trong nước: trường thực hiện liên kết đào tạo với một số cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện thực hiện liên kết; mặt khác, 14 cơ sở liên kết đào tạo, trong đó chỉ có 2 đơn vị có công văn trả lời đồng ý của Bộ GD-ĐT, 1 đơn vị có tờ trình gửi Bộ GD-ĐT nhưng không được phản hồi, còn lại 11 đơn vị chưa cung cấp được quyết định cho phép liên kết đào tạo của Bộ GD-ĐT...
Với những sai phạm trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Trường ĐH Luật TPHCM như sau:
Về xử lý tài chính: Thu hồi nộp ngân sách nhà nước khoản lệ phí tuyển sinh vượt quy định số tiền 84.160.000 đồng; chuyển quyết toán năm sau số tiền 2.307.235.000 đồng; đối với khoản thu vượt học phí 6.870.160.000 đồng, đề nghị trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của trường.
Chấm dứt việc thu lệ phí vượt, thu các khoản không có trong quy định, tránh tình trạng gây phản cảm cho học viên, sinh viên như không tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên chính quy khóa 36-37 năm 2016 do không đồng tình với mức thu của trường đã đề ra...