Bỏ qua những đúng sai, đả kích và ủng hộ, cuộc tranh luận về bolero vừa qua xung quanh ý kiến của ca sĩ Tùng Dương (cho rằng “bolero chỉ có giá trị về mặt hoài niệm và nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc”) đặt ra một góc nhìn khác đáng quan tâm hơn. Đó là, hiện tượng dòng nhạc bolero lên ngôi trong mặt bằng giải trí đại chúng hiện nay có phải thụt lùi hay là sự phát triển lệch pha trong mặt bằng thưởng lãm nghệ thuật nói chung, trong đó có âm nhạc?
Công tâm mà nói, những ý kiến của Tùng Dương hay nhạc sĩ Quốc Trung trước đó liên quan đến sự nở rộ có phần thái quá của bolero trong bức tranh giải trí tổng thể hiện nay dù ít nhiều có phần phiến diện nhưng không đến mức phải hứng chịu cơn “lên đồng” đả kích như thời gian qua. Có thể khẳng định, chẳng có dòng nhạc nào là sang hay hèn và bolero cũng không ngoại lệ; cũng không thể nói sự lên ngôi của bolero trong xu hướng biểu diễn và thưởng thức của công chúng hiện nay là sự thụt lùi của âm nhạc.
Trong cuộc tranh luận về bolero trước đây, nhạc sĩ Quốc Trung từng chia sẻ rằng, muốn có khán giả cho bất cứ dòng nhạc nào, nhất là những dòng nhạc mới, những sáng tạo mới cần có thời gian để xây dựng công chúng. Tiếc rằng ít có người đủ kiên nhẫn, bản lĩnh để làm được việc đó. Và ông cho rằng, đó là sự lệch lạc đáng xem xét. Góc nhìn này, đúng nhưng có lẽ chưa toàn diện. Cũng giống như ý kiến của ca sĩ Tùng Dương, sở dĩ bị nhiều ý kiến trái chiều bởi đều quy về lỗi do công chúng và giới sáng tác, biểu diễn, dù thật ra đó không phải là chủ thể chính phải chịu trách nhiệm. Trong dòng chảy thị trường, nghệ sĩ chiều theo thị hiếu của công chúng chẳng có gì sai, cũng như công chúng đón nhận và đưa bolero trở lại như trào lưu cũng không sai nốt. Bolero không làm thụt lùi nền âm nhạc cũng không làm thụt lùi thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, vì không phải ai nghe bolero cũng đồng nghĩa với dân trí thấp, khả năng cảm thụ kém.
Tuy nhiên, công tâm mà nói nền âm nhạc và giải trí của đất nước mà đi đâu cũng ủ ê, sướt mướt những giai điệu bolero thì đúng là lệch lạc. Bolero gần như chiếm trọn mặt bằng giải trí, tung hoành và triệt tiêu gần như tất cả các không gian âm nhạc khác, đến cả nhạc trẻ, pop, rock còn nhường bước thì nói gì đến những không gian âm nhạc hàn lâm như thính phòng, opera hay những tìm tòi thử nghiệm theo dòng chảy của nghệ thuật thế giới đương đại…
Để phát sinh ra tình trạng lệch lạc này, lỗi trước tiên thuộc về những người làm quản lý và định hướng văn hóa. Sâu xa hơn, trách nhiệm này thuộc về giáo dục. Tạo ra những thế hệ công chúng biết thưởng thức nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng là trách nhiệm của ngành giáo dục. Giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường phải mang tính định hướng, thông qua đó cung cấp cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản để có một trình độ nhất định trong việc lựa chọn và thưởng thức. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn trong những năm qua, công tác giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho thế hệ trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh của nước ta vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Mặc dù môn âm nhạc đã được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế (chỉ mới đưa vào cấp tiểu học, THCS) và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tâm lý coi trọng những môn kiến thức cơ bản như toán, lý, hóa, văn… khiến những môn học về nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng ở cấp phổ thông bị xem nhẹ, hầu hết chỉ được giảng dạy một cách sơ lược và miễn cưỡng, không thực chất.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, để hệ thống nhạc viện phát triển mạnh mẽ thì cần một hệ thống giảng dạy âm nhạc đại trà chu đáo. Hệ thống đại trà này chủ yếu diễn ra ở trường học phổ thông (ngoài ra còn các hoạt động âm nhạc tại gia đình và ngoài xã hội), là nơi nuôi dưỡng niềm yêu thích, từ đó xây dựng lực lượng công chúng cho sự phát triển lành mạnh của đời sống âm nhạc.
Thiếu những thế hệ công chúng biết thưởng thức, thiếu những không gian âm nhạc mang tính nghệ thuật chất lượng và đẳng cấp, bolero tung hoành thì có gì lạ?