Thực ra, LucTeam không phải đoàn kịch quá xa lạ. Khán giả đã gặp họ trong năm 2016 với vở Quẫn (tác giả Lộng Chương), dù chỉ là vở kịch tốt nghiệp mà NSƯT Trần Lực dàn dựng cho các học trò là sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Sau khi sinh viên tốt nghiệp, thầy Trần Lực quyết định thành lập một đoàn kịch để các học trò của mình được đi một con đường mới của sân khấu kịch hiện đại với phương pháp biểu hiện ước lệ, mà anh đã mày mò nghiên cứu nhiều năm.
NSƯT Trần Lực nói, ý tưởng về hình thức sân khấu kịch mới này được anh ấp ủ từ khi còn học đạo diễn tại Bulgaria. Tuy tu nghiệp về phương pháp hiện thực tâm lý, nhưng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ thuật truyền thống, Trần Lực ngấm chất sân khấu ước lệ. Được tiếp thêm đam mê từ một người thầy mê sân khấu phương Đông, anh mạnh dạn đi theo phương pháp kịch giao thoa Á - Âu. “Đó là cách tôi vận dụng kiến thức sân khấu hiện đại của thế giới với hình thức nghệ thuật truyền thống của cha ông như tuồng, chèo. Sân khấu biểu hiện ước lệ khác với sân khấu hiện thực tâm lý ở chỗ không tả thực mà tả ý và tôi sử dụng nghệ thuật đương đại để thể hiện sự ước lệ đó”, NSƯT Trần Lực nói.
Thành lập một đoàn kịch tư nhân vào thời điểm mà ngay cả thị trường kịch phía Nam vốn được đánh giá là rất sôi động cũng đang rơi vào “điểm trũng”, song nghệ sĩ Trần Lực tin khán giả không quay lưng lại với kịch. “Họ không xem sân khấu bởi chưa có những vở kịch hay. Thêm nữa, sân khấu luôn có những giá trị riêng mà không một loại hình nào khác như truyền hình hay điện ảnh có thể thay thế được”, nghệ sĩ Trần Lực chia sẻ.
Đoàn kịch có 10 thành viên. Song để tham gia, các diễn viên trẻ đã có 4 năm khổ luyện để có thể bắt nhịp được với loại hình kịch mà người thầy của mình đeo đuổi. Với sân khấu hình tượng ước lệ, ngoài năng khiếu về diễn xuất, các diễn viên còn phải biết dùng ngôn ngữ cơ thể linh hoạt để diễn tả tâm ý nhân vật. Phải học xiếc cơ bản để giải phóng hình thể, học âm nhạc để cảm, để đạt những tiêu chuẩn âm nhạc nhất định như hát đúng nhịp, phách…
NSƯT Trần Lực nói, việc chọn dựng Cơn ghen của Lọ Lem (ảnh) làm tác phẩm ra mắt của LucTeam vì vở kịch thể hiện rõ tinh thần của sân khấu ước lệ. Trong số các tác phẩm của nhà viết hài kịch tài ba người Pháp Molie, Cơn ghen của Lọ Lem ít được dàn dựng nhất, thậm chí chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Không phải bởi tác phẩm kém hay, mà để dựng được một vở hài kịch với những chuyện nhỏ nhặt, giản dị, ít cao trào như thế không đơn giản. Sân khấu được tinh giản tới mức tối đa. Nửa đầu vở diễn, không gian chỉ là một tấm phông nền xanh xám, một chiếc xe máy mini và một cánh cửa gỗ. Trên cái nền ấy, lần lượt 6 diễn viên trẻ bước ra và nhập cuộc với những trang phục khác nhau.
Đạo diễn Trần Lực hy vọng Cơn ghen của Lọ Lem lôi cuốn khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác về cảm xúc, về âm nhạc và cách hóa thân vào nhân vật của các nghệ sĩ xuyên suốt 90 phút của vở diễn. Sau hai buổi trình diễn tại Hà Nội, Cơn ghen của Lọ lem đã đem đến một làn gió lạ đối với sân khấu kịch. Bao giờ cũng vậy, cái lạ luôn cần phải có thời gian để thẩm thấu và để được chấp nhận. Song với tuổi trẻ, nhiệt huyết và niềm đam mê sân khấu của các nghệ sĩ, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một hướng đi mới của sân khấu phía Bắc.