Thống kê mới nhất từ Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong quý 1-2020, cả nước đã xử lý gần 53.000 vụ vi phạm, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 8.600 tỷ đồng… Nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan chuyên trách chính là cảnh giác cao độ, giám sát chặt chẽ xuất xứ, chất lượng hàng hóa nhằm ổn định thị trường.
Chặt vòi buôn lậu, gian lận
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động của nhiều đường dây buôn lậu trên tuyến biên giới đường bộ tiếp giáp các nước vẫn diễn biến phức tạp. Để chặt đứt các đường dây buôn lậu, vốn được xem như những chiếc vòi bạch tuộc tủa đi khắp nơi, là không đơn giản.
Cụ thể, dọc tuyến biên giới qua địa bàn thuộc các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, mặt hàng buôn lậu chủ yếu là rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, lâm sản, pháo nổ, đồ chơi trẻ em; sản phẩm của động vật hoang dã, quý hiếm như vảy tê tê, các sản phẩm từ ngà voi,... Hàng hóa được tuồn từ Lào, Campuchia vào Việt Nam.
Ở các tỉnh Tây Nam bộ như Long An, Đồng Tháp, An Giang, các đối tượng buôn lậu lợi dụng kênh rạch vận chuyển hàng hóa chập tối, nửa đêm, gần sáng. Phương thức vận chuyển gồm vác bộ, sử dụng xe gắn máy hoặc xuồng máy công suất lớn, tốc độ cao nên việc bắt giữ đối tượng buôn lậu gặp nhiều khó khăn.
Các đối tượng vi phạm còn dùng đủ chiêu trò buôn lậu, rút ruột hàng hóa trong container bằng việc mượn danh hàng tạm nhập - tái xuất… Mới đây, Cục Hải quan TPHCM đã từ chối giải quyết lô hàng nhập khẩu liên quan đến việc một doanh nghiệp nhiều lần từ chối nhận hàng và thực hiện tái xuất các lô hàng nhập khẩu.
Theo Cục Hải quan TPHCM, vào đầu năm 2020, Công ty B.L có đơn khiếu nại lần 2 đối với quyết định của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã không giải quyết thủ tục tái xuất 5 container bia nhập khẩu. Do trước đó, công ty này đã có văn bản từ chối nhận hàng với lý do hàng không được đưa vào địa điểm thu gom hàng lẻ. Qua kiểm tra, đối chiếu Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 yêu cầu Công ty B.L cung cấp thông tin, tài liệu, giải trình lý do từ chối, tái xuất lô hàng qua nước thứ ba, nhưng công ty không thực hiện.
Được biết, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 xác minh trong bản in email từ chối nhận hàng thể hiện nội dung trao đổi giữa Raymond Loh (raymondloh@imf.com.sg) và Nguyen Thanh Tra (trant@tbl.vn). Tra cứu trên Internet không tìm ra website www.imf.com.sg hoặc www.i.mfreight.com hoặc tương tự, nên có cơ sở nghi ngờ bản in email của công ty xuất trình không có thật.
Thêm nữa, qua xác minh tại đại lý hãng tàu, chứng từ vận chuyển, cơ quan hải quan phát hiện nhiều nghi vấn xung quanh việc giao nhận hàng giữa Công ty B.L và Công ty T. Hà Nội. Kỳ lạ hơn, không riêng lô hàng bia, Công ty B.L còn liên tục từ chối nhận 14 lô hàng (từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019) với lý do gửi nhầm hàng hoặc sai điều khoản hợp đồng. Khi xác minh, hải quan phát hiện các lô hàng tái xuất đều có thông tin tên hàng, số lượng khác so với thông tin của lô hàng nhập khẩu. Các lô hàng này đều liên quan đến Công ty T. Hà Nội. Vụ việc vẫn đang được Cục Hải quan TPHCM làm rõ, xử lý theo quy định.
Không chạy theo số lượng
Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ ngành, địa phương đơn vị chức năng… tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng… Trong đó, quan tâm nhiều hơn đến các mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thêm nữa, cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt; tuyên truyền tích cực hơn nữa để nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.
Các bộ ngành, địa phương và lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; nâng cao hơn nữa công tác phòng để đánh trúng, đánh đúng, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm, không chạy theo sự vụ. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Văn phòng thường trực cần chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, đồng thời tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 các bộ ngành, địa phương và lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Song song đó, cần chủ động thu thập thông tin về các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ; báo cáo, đề xuất lãnh đạo ban chỉ đạo xử lý.