Quân chủng thứ 6
Trong một báo cáo được phát hành vào cuối năm 2017, Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng đã đề cập đến quân chủng mới, đồng thời cho rằng sẽ là “thiếu sót cơ bản” nếu Lầu Năm Góc không có Lực lượng không gian.
Theo báo Washinton Post, báo cáo cho rằng, 5 quân chủng khác hiện tại gồm: Lục quân, Thủy quân lục chiến, Hải quân, Không quân và Tuần duyên đều có phòng ban riêng, vì vậy Quân chủng không gian nên được tổ chức tương tự. Từ tháng 3 đến tháng 6, Tổng thống Donald Trump đã 2 lần nói đến việc thành lập Lực lượng không gian của Mỹ.
Sau đó, ông đã chỉ huy Lầu Năm Góc bắt đầu quá trình thiết lập những cơ sở cấu thành quân chủng mới đầu tiên kể từ khi thành lập quân chủng Không quân sau Thế chiến thứ II. Tổng thống Donald Trump nói: “Chúng ta vừa có Không quân, vừa có Lực lượng không gian. Riêng biệt nhưng bình đẳng”.
Nhà Trắng cho rằng, với tốc độ đổi mới nhanh chóng trong lĩnh vực không gian, lĩnh vực này sẽ trở nên ngày càng quan trọng để ứng phó nhanh chóng các mối đe dọa. Điều này đòi hỏi tập trung đầu tư vào Lực lượng không gian. Trong nhiều tháng qua, nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng ủng hộ thành lập Lực lượng không gian. Todd Harrison, nhà phân tích quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, nỗ lực thành lập Lực lượng không gian đang được nghiên cứu nghiêm túc nhưng cũng lưu ý việc tạo ra một quân chủng hoàn toàn mới “sẽ không nhanh chóng hoặc dễ dàng”.
Đầu tháng 8, Phó Tổng thống Mike Pence đã thông báo rằng, Lầu Năm Góc có kế hoạch thành lập Lực lượng không gian vào năm 2020. Theo ông Pence, trong thời gian đó, Lầu Năm Góc có kế hoạch thành lập Bộ Tư lệnh không gian Mỹ, do một tướng 4 sao dẫn đầu. Ngay từ bây giờ, các tập đoàn lớn của Mỹ đang mở cuộc chạy đua tranh giành các hợp đồng béo bở để xây dựng các căn cứ không gian, trong đó có vệ tinh, tàu không gian, căn cứ không gian…
Lý do để đối phó
Đảng Dân chủ chống lại ý tưởng thành lập Lực lượng không gian của ông Donald Trump. Ngay trong đảng Cộng hòa cũng có nhiều ý kiến trái ngược. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld từng đưa ra ý tưởng này vào năm 2000 nhưng không ai quan tâm. Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Tư lệnh Không quân Heather Wilson ban đầu cũng phản đối ý tưởng này. Năm 2017, ông Mattis đã viết thư cho Quốc hội để lên tiếng chống lại đề xuất thành lập Lực lượng không gian. Thế nhưng trong tháng 8 này, ông lại tuyên bố ủng hộ “cách tiếp cận của tổng thống”.
Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, việc thành lập Lực lượng không gian sẽ gây phức tạp hơn về mặt tổ chức và chi tiêu ngân sách nhiều hơn. Theo họ, trong quân đội Mỹ hiện đã bao hàm tính chất của không gian như sử dụng công nghệ không gian trong chỉ huy và kiểm soát, nhắm mục tiêu chính xác, điều hướng và nhiều vấn đề khác. Sự phụ thuộc vào vũ khí do vệ tinh dẫn đường cũng đã tăng lên trong những cuộc xung đột mới. Một số người đã lập luận rằng, Mỹ tiếp cận một cách hiếu chiến hơn đối với không gian, có thể sẽ khuyến khích một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Ông Griffin giải thích rằng, việc Nga và Trung Quốc theo đuổi các loại vũ khí siêu âm, một loại vũ khí mà Mỹ hiện không thể phòng thủ, đã thúc giục Lầu Năm Góc đẩy nhanh phát triển các hệ thống không gian. Lời bình luận của Griffin được đưa ra sau khi có tin Trung Quốc công bố thử nghiệm thành công lần đầu tiên 1 máy bay siêu thanh - kỳ tích mà Mỹ chưa hoàn thành. Với Nga, ông Griffin lưu ý rằng, tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mátxcơva, hay ICBM, đặt ra một mối đe dọa lớn hơn đối với Mỹ hơn là vũ khí siêu thanh mà Tổng thống Nga Vladimir Putin dự định phát triển. Vào tháng 3, ông Putin ra mắt vũ khí hạt nhân và siêu thanh mới, ông mô tả là “bất khả chiến bại”. Các vũ khí mới bao gồm 1 tên lửa hành trình hạt nhân, 1 tàu ngầm không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân và 1 tên lửa siêu âm mới. Ông Griffin cho rằng, Nga và Trung Quốc không phải là bạn của Mỹ trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ khí không gian vừa chớm nở. |
Hiệp ước không gian vũ trụ 1967 mở ra một cấu trúc pháp lý hoàn toàn mới, được gọi là luật không gian, đề cập đến mọi thứ từ quỹ đạo nhân tạo đến khai thác tiềm năng trên mặt trăng và các tiểu hành tinh.
Nhiều nghị sĩ Mỹ còn cho rằng, hàng triệu người Mỹ đang cần được chăm sóc y tế tại nhà và việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cũ kỹ là vô cùng cần thiết, hơn là đầu tư vào “bộ phim khoa học viễn tưởng” như Lực lượng không gian. Những người ủng hộ thành lập Lực lượng không gian cho rằng, việc tạo ra một quân chủng hoàn toàn mới này để đối phó với “ kẻ thù tiềm năng” trong không gian, chẳng hạn như Trung Quốc, vì Bắc Kinh không có ý định lùi bước trong việc chuẩn bị khả năng chiến đấu không gian.
Theo báo chí Mỹ, năm 2007 Trung Quốc tấn công thành công một trong những vệ tinh thời tiết của họ, chứng tỏ họ có thể tiêu diệt chúng, cũng như tạo ra một mảnh vỡ đe dọa các vật thể khác trong quỹ đạo. Trung Quốc đã tấn công các vệ tinh thời tiết của Mỹ cũng như Triều Tiên đã gây nhiễu tín hiệu trên khu phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên. Giới ủng hộ Lực lượng không gian Mỹ cho rằng, một cuộc tấn công vào không gian sẽ làm tê liệt nước Mỹ và thậm chí cả thế giới. Nếu không có vệ tinh thì không có GPS. Điện thoại di động sẽ không hoạt động. Hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ. Quân đội sẽ bị tê liệt và nền kinh tế sẽ sụp đổ.
Theo CNBC, cựu quan chức của NASA, nhà vật lý và là kỹ sư hàng đầu của Mỹ, ông Michael Griffin tại Hội nghị chuyên đề về không gian và tên lửa ở Huntsville, Alabama, nói: “Chúng tôi không phải là những người chọn vũ khí hóa không gian, nhưng nếu chúng tôi bị thách thức, chúng tôi sẽ trả lời”. Theo các nhà khoa học Mỹ, lẽ ra Mỹ nên bắt đầu phát triển vũ khí siêu âm cách đây 5 năm hoặc 10 năm nhưng Mỹ đã không làm như vậy nên bây giờ là thời điểm tăng tốc.