Theo đó, ngoài việc chằng chống nhà cửa, Chủ tịch UBND các quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển phối hợp với các lực lượng liên quan sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán người dân trong thiên tai, nhất là tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố… Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết. Khuyến cáo người dân thu hoạch sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong đó, nhấn mạnh Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu có phương án hỗ trợ ngư dân đưa tàu công suất nhỏ lên bờ tránh bão.
Đồng thời, các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và duy trì liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng.
Sở Công Thương có phương án chuẩn bị lương thực, nước uống, nhiên liệu, các nhu yếu phẩm; phối hợp với các quận, huyện có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại những trung tâm mua bán, siêu thị, chợ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, dự kiến, đến 7 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Quảng Ngãi. Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25-9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6,0-8,0m; biển động dữ dội. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh, có diễn biến phức tạp và khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP Đà Nẵng.
PV Báo SGGPO đã có mặt tại khu vực ven cửa biển các xã Cẩm Dương và thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) và ghi nhận thời tiết có những thời điểm mưa vừa, mưa to đến rất to, trên biển gió thổi mạnh, các đợt sóng biển dồn dập cuộn vào bờ.
Trên bờ biển, sau khi nắm bắt được thông tin về diễn biến, đường đi của bão Noru, ngay từ sáng sớm nhiều bà con ngư dân đã đội mưa, dùng máy kéo, dây thừng, bạt che để che đậy và di dời các tàu thuyền, ngư lưới cụ ở sát mép biển vào tập kết bên trong khu rừng phòng hộ, các tuyến đường gần bờ biển và vườn nhà dân trong làng, đồng thời tổ chức chằng néo tàu thuyền nhằm đảm bảo an toàn nếu bão đổ bộ vào.
Nhiều ngư dân dọc bờ biển thị trấn Thiên Cầm và xã Cẩm Dương cho hay, nếu như trước đây mỗi khi xuất hiện bão lớn và chưa có máy kéo, để di chuyển được mỗi chiếc tàu thuyền vào nơi tránh trú ở trong rừng phòng hộ là vô cùng vất vả, cần rất nhiều thời gian và nhân lực khoảng từ 5 đến hơn 10 người, nhưng nay nhờ chế tạo được máy kéo nên việc di chuyển tàu thuyền vào nơi tránh trú rất hiệu quả, thuận lợi, nhanh chóng và chỉ cần khoảng 2-3 người...
Ông Nguyễn Tông Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm cho biết, toàn thị trấn có 73 tàu thuyền các loại, tập trung chủ yếu ở địa bàn thôn Song Yên, Yên Thọ và Yên Hà. Đến thời điểm này các tàu thuyền đều đã được bà con ngư dân đưa vào nơi tránh trú, chằng néo an toàn; trong đó các tàu thuyền công suất lớn vào neo đậu ở khu vực âu tránh trú bão Minh Hải ở tuyến sông Gia Hội, còn tàu thuyền công suất nhỏ thì kéo và di chuyển lên khu vực rừng phi lao phòng hộ.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh, đến 10 giờ ngày 25-9, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.675 tàu thuyền, trong đó có 3.666 phương tiện đã nắm bắt thông tin và vào bờ trú ẩn. Còn lại 9 phương tiện với 48 lao động đang hoạt động trên biển đã liên lạc được đang kêu gọi vào tránh trú, trong đó có 2 phương tiện với 8 lao động ở vùng lộng tỉnh Hà Tĩnh, 1 phương tiện với 7 lao động ở vùng khơi tỉnh Nghệ An, 4 phương tiện với 23 lao động hoạt động ở vùng khơi tỉnh Hà Tĩnh, 1 phương tiện với 5 lao động hoạt động ở vùng biển Đà Nẵng, 1 phương tiện với 5 lao động hoạt động ở Đảo Bạch Long Vĩ.
Trước ảnh hưởng của cơn bão Noru, mưa lớn trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống, ứng phó. Công điện nhấn mạnh, nếu địa phương, đơn vị nào không tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, để xảy ra sự cố do thiếu trách nhiệm, thì Chủ tịch UBND cấp huyện và thủ trưởng đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh, hiện một số hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cơ bản đã tích gần đầy nước, một số hồ chứa loại vừa có cửa van điều tiết như: Sông Rác, Bộc Nguyên, Thượng Sông Trí, Tàu Voi đã chủ động xả tràn với lưu lượng từ 5 đến 50m³/s.