Lực đẩy từ Nghị quyết 98

Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) được ban hành đã có sự tác động tích cực đến bộ máy hành chính, mở ra cơ hội để TPHCM thu hút nhân tài tham gia vào hệ thống chính trị, phát triển khoa học - công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng của thành phố.

Ông NGUYỄN HỮU HIỆP - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức: Tập trung vào các dự án lớn để thay đổi rõ rệt bộ mặt đô thị

nguyen-huu-hiep-5065.jpg

Thực hiện Nghị quyết 98, TP Thủ Đức đã triển khai và hoàn thành sắp xếp mô hình tổ chức chính quyền TP Thủ Đức theo Điều 10 của nghị quyết.

Nghị quyết 98 cũng giúp TP Thủ Đức có hướng đi trong việc sử dụng tài sản là nhà, đất công để thực hiện cho thuê, liên doanh, liên kết. Điều đó đã tạo ra nguồn lực tại chỗ, giúp TP Thủ Đức sử dụng tối đa các khu đất đang bị lãng phí. Cụ thể, đã tạo điều kiện để TP Thủ Đức phát triển công viên tại 34 phường; xây dựng mới các sân tập thể dục, thể thao chất lượng tại các trường học…

Đối với các nhiệm vụ khác, TP Thủ Đức sẽ đi vào giải quyết chi tiết từng đầu việc. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng); rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch chung TP Thủ Đức; thực hiện có kết quả Đề án Phát triển đô thị ven sông Sài Gòn phía TP Thủ Đức cũng như chương trình chuyển đổi số, đề án phát triển du lịch… trên địa bàn.

Nếu như năm 2023, TP Thủ Đức áp dụng Nghị quyết 98 để hoàn thiện, sắp xếp lại bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì năm 2024, TP Thủ Đức sẽ tập trung vào các dự án lớn để thay đổi rõ rệt bộ mặt của TP Thủ Đức về giao thông, đô thị, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông NGUYỄN VĂN HỒNG - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ: Khát vọng về một đô thị lấn biển xanh đầu tiên

17-ong-nguyen-van-hong-chu-tich-ubnd-huyen-can-gio-7146.jpg

Với kỳ vọng Cần Giờ sẽ là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu “Net Zero” (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2035, huyện đang nghiên cứu và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trên các lĩnh vực như du lịch, môi trường, giao thông, năng lượng; triển khai thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Có thể nói, mong muốn lớn nhất của người dân huyện Cần Giờ từ xưa đến nay là có một cây cầu bắc qua sông Soài Rạp để kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm TPHCM, giúp cho việc đi lại và giao thương thuận lợi hơn. Với tầm nhìn mang tính chiến lược của lãnh đạo Trung ương và thành phố, Cần Giờ xứng đáng được nhiều hơn nữa. Cho nên, ngoài dự án cầu Cần Giờ, còn có các dự án hình thành hệ thống chuỗi liên kết vùng Đông Nam bộ và cả nước, như: Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với kỳ vọng cùng cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới; dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đang được TP xem xét phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000…

Ông LÊ VĂN THINH - Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Giảm nghèo, tăng an sinh

22-van-thinh-5307.jpg

Kể từ khi TPHCM tập trung nhanh chóng bắt tay triển khai thực hiện Nghị quyết 98 vào thực tiễn đời sống, bước đầu đã cho thấy những chuyển biến tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của toàn thành phố. Trong đó, các vấn đề thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm có những biến chuyển rõ rệt.

Nghị quyết 98 được ban hành vào cuối tháng 6-2023, do đó cần thời gian để có thể đi sâu vào thực tiễn đời sống cũng như có những đánh giá toàn diện. Kết quả đo lường chất lượng hiệu quả thực hiện cho thấy bước đầu góp phần mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp, nhà đầu tư dần thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh, cắt giảm nguồn lao động dẫn đến lao động thất nghiệp, mất việc làm. Từ nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi của TPHCM đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm vấn nạn tín dụng đen, giúp người lao động có vốn tự tổ chức sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Ngày 8-11-2023, UBND TPHCM đã ban hành quyết định về giao chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm năm 2023. Trên cơ sở đó, Sở LĐTB-XH ký phụ lục hợp đồng ủy thác giải ngân toàn bộ 2.796 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM thực hiện việc này trong 2 tháng cuối năm 2023 và quý 1-2024.

KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU - Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học, nghệ thuật TPHCM: Phát triển văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống tinh thần

17-kts-nguyen-truong-luu-1-2994.jpg

Trước tiên, đó là cơ chế, chính sách đầu tư cho nguồn lực con người để duy trì và phát triển các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống phục vụ đời sống tinh thần người dân. Nhiều năm qua, do thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho con người, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng các tác phẩm văn học, nghệ thuật hay, có chất lượng, trong khi nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày càng cao.

Câu chuyện nhân lực cần được đầu tư đúng mức, trong đó chú trọng hàng đầu là đào tạo, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng. Phải thay đổi phương cách đầu tư, không dàn đều, thiếu trọng tâm… Nghị quyết 98 có những cơ chế thoáng và mạnh dạn hơn cho đầu tư vào các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tập trung vào 2 hướng: Văn học, nghệ thuật giải trí và văn hóa mang tính tư tưởng kinh điển. Thành phố sẽ có những tính toán rất cụ thể ở từng lĩnh vực để ưu tiên, khuyến khích nguồn lực đầu tư sao cho có thể phát huy hiệu quả.

Có hai việc, thứ nhất, sớm lập các quỹ về đào tạo nhân tài và quỹ giải thưởng sáng tác trên từng lĩnh vực. Thứ hai, đề nghị thành phố sớm triển khai đầu tư xây dựng một trung tâm nghệ thuật truyền thống với quy mô lớn. Cùng với đó là đầu tư con người có trình độ quản lý cao các thiết chế văn hóa quy mô, hiện đại. Muốn có một nền công nghiệp văn hóa phải có những nhà kinh tế về văn hóa.

Bà TRƯƠNG THỊ BÍCH THỦY - Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương: Thúc đẩy nâng chất và lượng đầu ra giáo dục

24-co-bich-thuy-2546.jpg

Tuy chưa có nội dung trực tiếp điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực giáo dục, nhưng tác động của Nghị quyết 98 đối với giáo dục là không nhỏ. Rõ nhất là ở nội dung về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược và về quản lý khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp có thêm cơ chế để đổi mới và phát triển cũng đồng thời mở ra rất nhiều cơ hội mới cho lực lượng lao động. Đó chính là sự thúc đẩy tạo ra thị trường lao động, nâng cả chất và lượng đầu ra của giáo dục.

Những nội dung của Nghị quyết 98 cũng sẽ tạo ra những đòi hỏi và tự đòi hỏi của người làm giáo dục. Đó là nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo để gầy dựng nguồn nhân lực tốt nhất, đóng góp vào sự phát triển của TPHCM. Cạnh đó, tôi hy vọng những nội dung của nghị quyết về tài chính, ngân sách theo Điều 5 sẽ giúp thành phố có điều kiện để chủ động hơn trong việc bố trí, đầu tư phát triển các khu vực công, trong đó có giáo dục.

Việc cụ thể hóa Nghị quyết 98, HĐND TPHCM đã thông qua 107 nghị quyết liên quan nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, trước hết sẽ đầu tư, xây mới, mở rộng các cơ sở giáo dục: Trường THPT Hùng Vương; Trường THPT Trưng Vương; Trường THPT Võ Trường Toản; Trung tâm Sinh viên và Sinh hoạt đa năng Trường Đại học Sài Gòn…

Tin cùng chuyên mục