Chính sách và sự cộng hưởng mạnh mẽ từ các chủ đầu tư lớn
Giới chuyên gia cho biết, không phải tự nhiên mà có nhiều chủ đầu tư lớn tiến hành triển khai các dự án có quy mô tầm cỡ tại khu vực Hồ Tràm. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang tích cực thực hiện nhiều quy hoạch mới nhằm kêu gọi, thu hút khối doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Bà Rịa – Vũng Tàu đã thông qua nghị quyết về quy hoạch chung khu vực ven biển thuộc các xã Phước Thuận, Bông Trang, Bưng Riềng và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Toàn khu vực quy hoạch được chia làm bốn phân vùng chức năng khoảng 1.291,19ha, chiều dài tuyến ven biển là 12km.
Thứ nhất là vùng phát triển du lịch hỗn hợp (243,54ha), đây là vùng tiếp cận với đô thị Hồ Tràm, biển có bãi cát lớn dòng nước ổn định, gắn liền với khu du lịch sinh thái phức hợp Hồ Tràm. Thứ hai là vùng phát triển du lịch nghỉ dưỡng bảo tồn - nghiên cứu - chăm sóc sức khỏe (154,55ha). Thứ ba là vùng phát triển du lịch hướng sinh thái - vườn thú hoang dã Safari (631,04ha). Thứ tư là vùng phát triển du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - thể thao biển (262,06ha).
Trước đó, vào đầu tháng 6/2020, Bà Rịa- Vũng Tàu đã có kế hoạch lập Quy hoạch xây dựng đô thị, định hướng phát triển Hồ Tràm trở thành đô thị mới, một trung tâm nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực phía Nam. UBND huyện Xuyên Mộc cũng đã trình UBND tỉnh quy hoạch tổng thể 1/2000 khu Hồ Tràm.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, tỉnh đang tích cực vận động các doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng dự án mới, có chất lượng, gia tăng trải nghiệm để kích thích nhu cầu du lịch. Trọng tâm trước mắt sẽ hướng đến các dịch vụ nghỉ dưỡng biển, tham quan du lịch gắn với thiên nhiên, trải nghiệm vui chơi giải trí thuộc khu vực Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc).
Thực tế, định hướng phát triển hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực Hồ Tràm nhận được sự cộng hưởng mạnh mẽ từ các chủ đầu tư lớn trong đó phải kể đến các dự án như NovaWorld, Tổ hợp Hồ Tràm Strip, Hyatt Regency; Charm Resort Hồ Tràm. Theo đó, với sự xuất hiện của nhiều dự án quy mô đẳng cấp quốc tế được quy hoạch bài bản, trong tương lai gần Hồ Tràm sẽ là trung tâm vui chơi giải trí nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất cả nước và hướng đến các dịch vụ xa xỉ dành cho giới thượng lưu và du khách quốc tế.
Hạ tầng đồng bộ tạo lực đẩy mạnh mẽ cho thủ phủ du lịch Hồ Tràm
Hạ tầng giao thông được đánh giá là đòn bẩy quan trọng cho du lịch trong tương lai là sân bay quốc tế Long Thành, khi đi vào vận hành, sân bay này sẽ tạo cơ hội cho vùng biển phía Nam tiếp cận với lượng khách dồi dào đặc biệt là khách quốc tế, dự kiến lên đến 25 triệu lượt mỗi năm.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã bước vào giai đoạn cuối của quá trình xây dựng giúp kết nối khu vực Hồ Tràm với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sẵn sàng đón luồng khách nội địa từ khu vực Tây Nam Bộ.
Hàng loạt siêu dự án cũng đang trong quá trình quy hoạch, góp phần hiện đại hoá bộ mặt hạ tầng giao thông liên vùng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Xuyên Á, sân bay lưỡng dụng Hồ Tràm, đường hầm xuyên biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu...
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện mở rộng tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Xuyên Mộc. Tuyến đường ven biển được điều chỉnh từ 12m lên đến 42m, góp phần phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng lớn, tạo cơ hội cho hàng loạt dự án nghỉ dưỡng phát triển. Những dự án này góp phần tạo thuận lợi cho du khách đến với khu vực Hồ Tràm, tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh trên bản đồ nghỉ dưỡng.
Với nguồn năng lượng tràn đầy mà các thương hiệu uy tín như Tập đoàn Charm Group, Novaland, Hưng Thịnh… mang đến cho thị trường bất động sản ven biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Giới chuyên gia nhận định chỉ trong vài năm tới đây, Hồ Tràm sẽ là “vùng đất vàng” của các nhà đầu tư bất động sản sành sỏi. Cùng với thiên nhiên hoang sơ, cung đường biển đẹp, Hồ Tràm nhanh chóng sánh vai với Phú Quốc để trở thành “thiên đường” du lịch nghỉ dưỡng cao cấp hàng đầu của Việt Nam.