Đồng quan điểm, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có công văn gửi Bộ Công thương đặt vấn đề về tính cần thiết của thông tư trên.
Theo VCCI, nếu dự thảo được thông qua, sẽ có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi bị xử phạt oan uổng chỉ vì tự định danh không đúng chuẩn. Các siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện lợi sẽ phải tuân thủ hàng loạt tiêu chí, tiêu chuẩn mới như: phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đậu xe cho khách hàng; phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí; có nơi bảo quản hành lý cá nhân... Thậm chí, có quy định như “đối tượng phục vụ là khách hàng trong phạm vi dưới 500m”. VCCI nhận xét, đây là những quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh.
Mặc dù thông tư nói trên đang ở bước dự thảo, nhưng thực tế có những thông tư “cá biệt” tương tự, gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Trong báo cáo sơ kết 6 tháng thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Bộ KH-ĐT nêu nhiều ví dụ cho thấy nhiều kiến nghị của doanh nghiệp bị “ngâm” hàng tháng trời nhưng không được giải quyết hoặc phản hồi thỏa đáng.
Chẳng hạn như kiến nghị của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) gửi các bộ trưởng (Y tế, Công thương, NN-PTNT) từ tháng 5 về chỉ tiêu, nguyên tắc ghi nhãn, lộ trình thực hiện tại dự thảo thông tư ghi nhãn dinh dưỡng. Hay như đề nghị thay đổi yêu cầu đăng ký lưu hành nước rửa tay khô từ nộp hồ sơ và nhận kết quả bản giấy tại Cục Quản lý môi trường y tế sang 100% trực tuyến cũng chưa có hồi âm. Các doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm cũng cảm thấy bị “làm khó” khi sở y tế nhiều địa phương công bố dịch vụ công đã ở cấp độ 3 hoặc 4, nhưng trên thực tế vẫn yêu cầu bản giấy!
Theo TS Nguyễn Đình Cung, những ví dụ điển hình nói trên là biểu hiện rõ nét “kháng cự” lại xu hướng cải cách. Dù Chính phủ đã khẳng định quyết tâm thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và nuôi dưỡng sự đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp, nhưng đâu đó vẫn còn những lực cản không đáng có. Áp lực cải cách mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, Thủ tướng là không thể thiếu để dẹp bỏ lực cản này.