Albania, quốc gia nhỏ bé nằm ở Nam Âu đã trải qua rất nhiều biến cố lớn. Những ngày qua, cuộc nổi dậy của người dân tại đây một lần nữa cho thấy đất nước này chưa hề ổn định sau khi Đảng Cộng sản chấm dứt cầm quyền từ năm 1992. Thời điểm 1990-1992, chính phủ do Đảng Cộng sản Albania lãnh đạo là một trong những chính phủ đầu tiên thuộc khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chấm dứt cầm quyền, kéo theo sự sụp đổ của toàn khối này.
Phương Tây tưởng rằng từ đây Albania sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn nhưng họ đã nhầm. Hình thức dân chủ kiểu phương Tây trong chính trị lẫn kinh tế khiến nước này liên tiếp gặp nhiều sóng gió với những cuộc bầu cử đầy rẫy gian lận và bạo động. Những người thuộc lực lượng dân chủ thân phương Tây cầm quyền từ 1992 đến 1997 đã đưa Albania tới một cuộc khủng hoảng mới.
Đó là cuộc khủng hoảng tín dụng kiểu kim tự tháp sau khi nước này bị IMF buộc tự do hóa hoạt động ngân hàng khiến người dân nước này mất 2 tỷ USD (80% GDP) vào tay một số kẻ đứng đầu mô hình kim tự tháp, gây ra những khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và bất ổn xã hội. EU phải đưa lực lượng quân sự đến duy trì trật tự.
Điều này giải thích vì sao lực lượng dân chủ, đứng đầu là Tổng thống Albania Sali Berisha và đảng Dân chủ của ông, thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 1997 trước đảng Xã hội. Nhưng đảng Xã hội cũng không thể duy trì lâu dài vị thế cầm quyền do các cáo buộc tham nhũng và tình trạng bè phái để rồi phải trao quyền lãnh đạo đất nước trở lại cho lực lượng của ông Berisha trong vai trò thủ tướng vào năm 2005.
Ông Berisha và đảng của ông lại giành chiến thắng sít sao thêm một nhiệm kỳ vào năm 2009. Nhưng từ đây, sóng gió vẫn nổi lên khi đảng Xã hội đối lập liên tục cáo buộc lực lượng của ông Berisha gian lận bầu cử, tham nhũng và kêu gọi giải tán chính phủ của Berisha, bầu cử trước thời hạn thay vì vào năm 2013.
Cuộc biểu tình những ngày qua của hàng chục ngàn người do đảng Xã hội dẫn đầu. Những người biểu tình đã tràn vào văn phòng thủ tướng, dùng đá, gậy gộc đụng độ với cảnh sát dẫn tới việc cảnh sát bắn chết 3 người và làm khoảng 10 người bị thương. Công tố viên Albania đã ra trát bắt giữ đối với 6 cảnh sát thuộc lực lượng bảo vệ dinh thủ tướng. Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Albania được xem kéo dài nhất trong lịch sử. Cuộc biểu tình bùng phát sau khi một video clip công chiếu hình ảnh Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ilir Meta gây sức ép buộc những người trúng thầu “lại quả” trong một dự án xây dựng nhà máy điện. Ông này đã từ chức sau đó. Lãnh đạo đảng Xã hội, ông Edi Rama kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình và cho rằng chính phủ của ông Berisha “chỉ còn tính bằng giờ”.
Thời kỳ hậu xã hội chủ nghĩa, Albania đã gia nhập NATO và chuẩn bị gia nhập EU. Thế nhưng, đây vẫn là một trong những nước nghèo nhất châu Âu với GDP bình quân đầu người 3.837 USD (năm 2009), chỉ bằng 26% mức trung bình của EU.
Ngoài bất ổn kéo dài về chính trị, tỷ lệ thất nghiệp cao (12,8% - năm 2009) cùng với tình trạng tham nhũng tràn lan cũng gây khó khăn rất lớn cho nền kinh tế nước này. EU và Mỹ lẽ dĩ nhiên sẽ không muốn một Albania - “tiền đồn của cái gọi là dân chủ Đông Âu” - bất ổn. Nhưng xem ra lực bất tòng tâm.
Thụy Vũ