Từ Xuân Lãnh sinh năm 1948 tại thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Xuất thân từ một gia đình Nho giáo, tính chất mô phạm của người cha là nhà thơ Từ Bá Cảnh và sự mẫu mực của người mẹ đã ảnh hưởng rất lớn đến con đường văn chương của ông. Từ Xuân Lãnh đã cống hiến cho nền giáo dục Việt Nam từ khi còn trẻ và bắt đầu sáng tác thơ văn từ năm 1966. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị như Mắt nghìn trùng (2004), Phong tục đất phương Nam (2019), Tứ tuyệt hoài cảm (2021), và Lục bát hoài cảm (2024).
Lục bát ru em là tuyển tập thơ được tác giả lựa chọn từ các sáng tác tiêu biểu trong nhiều năm. Như nhan đề tác phẩm, Lục bát ru em là một khúc ru tình ngọt ngào, say đắm, mang âm điệu du dương, nhịp nhàng, dễ nhớ và dễ thuộc. Những bài thơ trong tập thể hiện suy tư của tác giả về tình yêu, nhân sinh và số phận con người, đậm chất lãng mạn của thi ca đương đại, đồng thời gửi gắm nhiều triết lý sâu sắc.
Là một nhà thơ, nhà giáo dục, Từ Xuân Lãnh luôn canh cánh trong lòng về việc “Làm thế nào để giữ gìn bản sắc dân tộc trước sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai?”. Do vậy, khi sáng tác tập thơ này, ông đã lựa chọn thể thơ lục bát - thể thơ truyền thống, đặc trưng của người Việt. Qua đó, tác giả mong muốn làm sống lại và tôn vinh dấu ấn riêng của thể thơ lục bát trong văn hóa và văn học Việt Nam, như một cách thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Chia sẻ tại buổi ra mắt tập thơ, nhà thơ Từ Xuân Lãnh bày tỏ: “Trong “ Lục bát ru em”, chữ “em” không chỉ cụ thể người em gái nào cả, mà “em” ở đây chính là biểu trưng cho con người, cho cái đẹp nói chung của tạo hóa. Đó là đối tượng tôi muốn bày tỏ lòng mình với những tình cảm, day dứt và hoài cảm”.
Trưởng phòng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM, Bà Nguyễn Thị Liên, chia sẻ: “Câu chữ của nhà thơ Từ Xuân Lãnh rất giản dị, gần gũi và chân thực, dễ tiếp cận với bạn đọc ở mọi thế hệ. Khi đọc Lục bát ru em, tôi rất ngỡ ngàng bởi không thể tin ở tuổi 76 mà nhà thơ Từ Xuân Lãnh lại có thể viết thơ tình lãng mạn đến vậy. Điều đó cho thấy sáng tác thơ văn không phụ thuộc vào tuổi tác, tất cả vẫn là ở tấm lòng với thi ca của người viết”.