Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014, nhưng đến nay đã hơn 2 tháng, một số bộ ngành trung ương và nhiều địa phương vẫn không triển khai thực hiện được do khi áp dụng trong thực tế có nhiều quy định bị vướng.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 18 Luật Tiếp công dân quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc tiếp công dân, nêu: “Trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình”.
Điều 4 Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân cũng nói: “Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình…”.
Quy định trên xác định địa điểm tiếp công dân là tại trụ sở làm việc của các bộ ngành trung ương. Người đứng đầu các cơ quan này là bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ. Hầu hết trụ sở làm việc của các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ đều đặt tại thủ đô Hà Nội.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, người dân ở các tỉnh, thành xa như các địa phương khu vực Tây Nguyên, phía Nam, miền Trung, hoặc vùng núi cao đi lại khó khăn muốn được gặp trực tiếp người đứng đầu các bộ ngành trung ương trong các buổi tiếp công dân để gửi đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều phải về Hà Nội với thời gian và chi phí đi lại, ăn nghỉ… rất tốn kém.
Các trường hợp khiếu nại đông người, hoặc các vụ việc khiếu nại liên quan đến nhiều người trong gia đình, họ tộc sẽ rất khó lo đủ chi phí để về Hà Nội tham gia các buổi tiếp công dân. Chưa kể, quy định này còn tạo áp lực cho các cơ quan bộ ngành của Chính phủ và chính quyền địa phương của Hà Nội về lượng người từ các tỉnh, thành thường xuyên kéo về rất đông, gây khó khăn cho việc đi lại và làm mất an ninh trật tự trên địa bàn. Đây là vấn đề rất phức tạp mà thực tế trong nhiều năm qua, tại các địa phương như Hà Nội và TPHCM phải luôn có các biện pháp đấu tranh với các phần tử xấu kích động, lôi kéo người dân tham gia khiếu kiện đông người và kéo về trụ sở các cơ quan trung ương ở Hà Nội và TPHCM.
Để tránh tình trạng này xảy ra, đại diện các bộ ngành trung ương kiến nghị cần sửa đổi lại quy định này theo hướng: “Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại cơ sở…”. Quy định này giúp người đứng đầu các bộ ngành trung ương đến với người dân ở cơ sở nhiều hơn để qua đó gần dân, hiểu dân hơn trước khi ra các quyết định giải quyết công việc của dân được sâu sát, phù hợp với nguyện vọng của dân.
HOÀI NAM