Tại hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị đại biểu tập trung làm rõ các nội dung quan trọng để có giải pháp tháo gỡ, như những hạn chế, vướng mắc của Luật Đất đai năm 2013 và văn bản quy định chi tiết; các tranh chấp và vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự; thực trạng công tác kiểm toán, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; thực tiễn điều tra, truy tố các vụ án về đất đai…
Nhiều tham luận tại hội thảo cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai vẫn xảy ra phổ biến, nhất là vi phạm trong chuyển mục đích sử dụng; thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Nguyên nhân chủ yếu là do sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật Đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và một số luật khác (Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…). Điều này dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân, tổ chức lợi dụng tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, lưu ý, trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần đơn giản, tiện ích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi. Song song đó cần đồng bộ giữa các văn bản khác; nghiên cứu, tổ chức lại các cơ quan thực thi pháp luật về đất đai, trong đó có tòa án về đất đai, cơ quan thanh tra về đất đai.