Thế nhưng lâu nay luật không rõ ràng khiến các công ty BĐS cho ra đời nhiều sản phẩm “ảo”. Sau đó, các bộ ngành, chính quyền địa phương theo đuôi, thừa nhận điều sai bằng nhiều tên gọi sản phẩm BĐS không có trong luật. Đương nhiên, việc này bị nghi ngờ có tiêu cực.
Điển hình như vụ án Alibaba bán các sản phẩm BĐS “ảo”, thực hiện dự án lách luật để biến đất nông nghiệp thành đất ở không theo trình tự luật định. Vụ việc tuy phát hiện sớm, nhưng số “nạn nhân” đã lên trên 6.000 người.
Nếu không, Alibaba còn dự định thành lập sàn giao dịch BĐS như kiểu chứng khoán, khách hàng có thể đặt mua từng mét đất và bán lẫn nhau trên sàn để kiếm lời… Như vậy, người nghèo, công nhân sẽ là đối tượng bị lừa, vì tiền ít, tích góp mua dần từng mét đất với hy vọng đủ năm bảy chục mét thì đổi thành tài sản vật chất để ở và… trở thành nạn nhân!
Mới đây, loại hình Condotel vỡ trận cũng khiến hàng ngàn khách hàng trở thành nạn nhân. Cùng phương thức góp vốn mua căn hộ du lịch và hưởng lợi nhuận cao, các công ty đã “xé” dự án du lịch (vốn đất kinh doanh) thành căn hộ để ở (đất thổ cư) mà không được phép của nhà nước: không phù hợp quy hoạch, không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khi chưa ra được sản phẩm nhưng khách hàng đã nộp tiền, câu chuyện tranh chấp và bất ổn xã hội xảy ra, cuối cùng người dân gánh hậu quả.
Gần đây, nhân viên các ngân hàng lại môi giới cho khách gửi tiết kiệm chuyển sang đầu tư mua “trái phiếu DN” đầy rủi ro, mặc dù Bộ Tài chính đã ra thông cáo cảnh báo những sai phạm trong lĩnh vực này. Bởi thị trường trái phiếu DN là thị trường rủi ro nhất vì 3 không: không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành.
Nếu DN lên sàn giao dịch chứng khoán, đòi hỏi phải có lợi nhuận nhiều năm, có báo cáo kiểm toán và phải công bố thông tin rõ ràng, thì trái phiếu DN do chính DN tự đứng ra thu hút vốn, nên nhà đầu tư khó có thể kiểm soát. Thế nhưng, do nhiều DN BĐS trả lãi đến 14%/năm, cao gần gấp 3 lần lãi suất ngân hàng nên nhiều người ham lợi nhuận vẫn đầu tư vào.
Trong khi đó, lẽ ra họ phải hiểu, vì “đói” vốn, DN mới tự phát hành trái phiếu với lãi suất cao để thu hút “con mồi”. Vì sau khi thu hút vốn xong, DN phá sản hay lỗ âm thì khách hàng phải chịu mất vốn. Do vậy, DN thu hút vốn với lãi suất càng cao thì chắc chắn “sức khỏe” càng có vấn đề!
Nhìn lại sự bát nháo thị trường BĐS thời gian gần đây sẽ thấy, nguyên nhân từ sự thiếu kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và lòng tham của nhà đầu tư. Nhà đầu tư vì tham lợi nhuận mà không hiểu rằng, nếu DN minh bạch, dự án khả thi thì vay vốn ngân hàng chứ việc gì phải thu hút vốn từ dân để phải trả lãi suất cao, trừ khi họ có vấn đề.