Nỗ lực cải cách
Theo các chuyên gia, dự thảo Luật GTGT (sửa đổi) lần này đưa ra nhiều điểm mới quan trọng, bám sát các yêu cầu tại chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết được một số vướng mắc của thuế GTGT trong các năm gần đây.
Cụ thể, dự thảo đã bỏ quy định chi tiết dịch vụ cấp tín dụng bao gồm các dịch vụ nào là đối tượng không chịu thuế mà dẫn chiếu vào quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng; chuyển nhượng dự án đầu tư không coi là hoạt động chuyển nhượng vốn nên phải chịu thuế GTGT; nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế hàng năm của hộ, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng...
Cùng với đó, ngưỡng chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng được giảm xuống còn 5 triệu đồng; bổ sung trường hợp hoàn thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 5%…
Một điểm mới nữa là theo dự thảo, phân bón được đưa vào diện chịu thuế GTGT 5%. Trước đây, mặt hàng này thuộc đối tượng không chịu thuế, nên các doanh nghiệp trong nước sản xuất phân bón có phát sinh số thuế GTGT đầu vào lớn không được khấu trừ, cũng không được hoàn thuế, dẫn đến khó khăn về tài chính, sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.
Một quy định rất mới khác, nếu được thông qua có thể sẽ tạo ra những thay đổi rất đáng kể, đó là loại trừ trách nhiệm hình sự đối với công chức thuế khi người nộp thuế cung cấp thông tin tài liệu không chính xác, không trung thực mà công chức thuế không thể biết hoặc không thuộc trách nhiệm phải biết khi thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT.
Đảm bảo lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân
Phân tích về những nội dung cụ thể trong dự thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trung Kiên (Công ty Luật Baker McKenzie Vietnam), cho rằng, có những quy định “ích nước”, nhưng “lợi dân" thì chưa chắc! Chuyên gia này nêu ví dụ như quy định nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế hàng năm của các hộ, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng. Thực tế, trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo, đây cũng là vấn đề nhận nhiều ý kiến góp ý nhất của các bộ, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp.
Theo giải thích của ban soạn thảo, ngưỡng 150 triệu đồng là dựa vào “chỉ số lạm phát và tình hình thực tế”. Nếu tăng cao ngưỡng này hơn nữa sẽ ảnh hưởng số thu ngân sách của các địa phương.
Ông Nguyễn Trung Kiên bình luận: “Nếu xem xét đến lạm phát, thì tại sao không xem xét cả các yếu tố khác như mức giảm trừ gia cảnh, mức lương trung bình, mức chuẩn nghèo... Ban soạn thảo đã đánh giá xem tăng cao ngưỡng này thì số thu ngân sách sẽ giảm bao nhiêu hay chưa?”. Chuyên gia này đề xuất quy định biến động theo một chỉ số khác (giống như mức giảm trừ gia cảnh tại Luật Thuế thu nhập cá nhân) để đảm bảo luôn được cập nhật theo tình hình thực tế.
Quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự cho công chức thuế trong quá trình thực hiện hoàn thuế hoặc thanh, kiểm tra hoàn thuế cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, quy định như dự thảo luật không phù hợp với cơ chế áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế GTGT và làm mất hiệu lực của việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng chống gian lận hóa đơn.
Bên cạnh đó, các nội dung quy định về trách nhiệm của người nộp thuế và cơ quan thuế thuộc phạm trù quản lý thuế đã được quy định đầy đủ trong Luật Quản lý thuế. Do đó, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì "không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”.
Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) lo ngại, mặc dù với tinh thần bảo vệ cán bộ, nhưng quy định “không thể biết hoặc không thuộc trách nhiệm phải biết” là yếu tố chủ quan và dễ bị lợi dụng; cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét thận trọng.
Về đề xuất dịch vụ xuất khẩu chịu thuế GTGT 0%, dự thảo chỉ quy định áp dụng đối với 2 dịch vụ: dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam và dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế hoặc thông qua đại lý. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về bản chất quy định này thu hẹp phạm vi áp dụng đối với dịch vụ xuất khẩu.
“Chính sách này sẽ làm tăng chi phí thuế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại nước ngoài. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất là kinh doanh trên môi trường internet, sản xuất nội dung số, sản xuất các ứng dụng, trò chơi điện tử, dịch vụ nghe nhìn, giải trí, dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ tư vấn các loại, dịch vụ thiết kế, dịch vụ máy tính, dịch vụ thông tin…”, VCCI nhìn nhận.
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp này hiện đang phải cạnh tranh quyết liệt với "đối thủ" đến từ các nước đang phát triển khác. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu theo hướng vẫn cho phép các dịch vụ này được hưởng thuế suất 0%, đồng thời quy định cụ thể về việc xác định doanh thu đến từ nước ngoài theo phương pháp tương tự như khi đánh thuế dịch vụ nhập khẩu.