Luật Thủ đô (sửa đổi), “bệ phóng” để Hà Nội cất cánh

 Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai khi Hà Nội đang đứng trước các cơ hội, tiềm năng và lợi thế vô cùng to lớn.

Xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại

Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Luật đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 và trong đó có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Việc Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật cho riêng mình thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh đó, cùng với các Nghị quyết quan trọng của trung ương liên quan tới Thủ đô Hà Nội được ban hành thời gian gần đây, nhất là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 thì Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo ra khung pháp lý để nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo động lực mới cho việc tổ chức thực hiện quy hoạch và được xem như kim chỉ nam để phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.

z5581138129338_d9dd3eb307284043369b34901d6a2586.jpg
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với đa số đại biểu tán thành

Theo quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi), công tác quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô phải thực hiện theo 2 quy hoạch trên bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô và cả nước.

5.jpg
Luật Thủ đô (sửa đổi) ưu tiên quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng

Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với các quy hoạch trên. Cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan. Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để đảm bảo yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.

4.jpg
Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ góp phần bảo tồn tốt hơn khu vực nội đô của Hà Nội

Đối với khu vực nội đô lịch sử, không mở rộng diện tích đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử. Các sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.

Động lực phát triển cho cả nước

Trước các quy định về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô trong tương lai, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trên thế giới không quá 10 nước có luật riêng cho thủ đô.

“Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, vấn đề quan trọng hiện nay là TP Hà Nội cần sớm hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức thực hiện luật này và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức xã hội, nhân dân đối với kế hoạch này để sớm triển khai trên thực tế”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định UBND TP Hà Nội thành lập và quy định tổ chức, hoạt động của Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử. Đây có thể coi là một yếu tố quan trọng để hiện thực hóa chủ trương cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử mà nhiều năm qua không thực hiện được do thiếu nguồn lực.

Trong khi đó, ông Trương Xuân Cừ (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, kỳ vọng Hà Nội sẽ bước sang "kỷ nguyên mới" vì Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Xét về mặt hành chính, Thủ đô mang tính chất đặc thù, đồng thời cũng mang tính chất đặc biệt. Vì Thủ đô không phải riêng của Hà Nội nên Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này tạo đột phá để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, cũng như tạo động lực phát triển cho cả nước.

1.jpg
Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo hướng văn hiến, văn minh và hiện đại

Làm rõ hơn về kế hoạch triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị thành phố phối hợp với các bộ, ngành chức năng dày công nghiên cứu, xây dựng. Đây là luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khắc phục toàn bộ các quy định “luật khung, luật ống” trước đây.

“Luật Thủ đô (sửa đổi) được quy định rất cụ thể, gắn với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Chưa bao giờ Thủ đô Hà Nội đứng trước cơ hội, tiềm năng và lợi thế rất lớn như bây giờ”, ông Trương Việt Dũng nhấn mạnh và cho biết trong luật có hơn 80 nội dung giao UBND TP Hà Nội triển khai nên thành phố đã chuẩn bị các nội dung từ nhiều tháng trước, sẵn sàng triển khai ngay các nội dung thi hành luật.

Mới đây, kết luận tại hội nghị 18 của Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của TP Hà Nội là khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Bên cạnh đó, tổ chức việc công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xây dựng kế hoạch triển khai ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục