Luật Thi đua, Khen thưởng “quên” đối tượng ngoài nhà nước
SGGPO
TPHCM kiến nghị trung ương ban hành hướng dẫn về quy trình đăng ký thi đua và tiêu chuẩn xét khen thưởng cụ thể đối với đối tượng ngoài nhà nước, như: công nhân, nông dân, thành phần kinh tế tư nhân.
Sáng 3 - 10, UBND TPHCM tổ chức hội nghị Tổng kết đánh giá 13 năm thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng và Phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018).
Đến dự có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương; Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng trung ương; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TPHCM.
Sau khi Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 có hiệu lực, 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc TPHCM nghiêm túc xây dựng kế hoạch phát động phong trào, hướng dẫn bình xét, đăng ký danh hiệu thi đua. 40.000 lượt cán bộ tham gia tập huấn pháp luật về thi đua, khen thưởng. Đến nay, TP có 934 phong trào thi đua và hơn 6.000 công trình, mô hình, giải pháp. Thành phố đã khen thưởng 112.423 trường hợp đúng quy định.
Từ tình hình thực tế, TPHCM kiến nghị trung ương có hướng dẫn quy trình đăng ký thi đua và tiêu chuẩn xét khen thưởng cụ thể đối với khu vực ngoài nhà nước, như: công nhân, nông dân, thành phần kinh tế tư nhân.
Hiện tiêu chuẩn khen thưởng trong Luật Thi đua, Khen thưởng chưa cụ thể hóa, chủ yếu tập trung trong khu vực nhà nước. Vì vậy, cơ quan thi hành lúng túng khi xét thi đua ở nhóm khác (doanh nghiệp tư nhân, công nhân...). Ngoài ra, quy trình, thủ tục hồ sơ xét khen thưởng còn rườm rà, chưa phù hợp thực tiễn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh hoan nghênh TPHCM có nhiều chỉ đạo sát sao, dẫn đầu nhiều phong trào thi đua yêu nước. Công tác khen thưởng do TP thực hiện luôn khách quan, gắn với Luật Thi đua, Khen thưởng.
Trong thời gian tới, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị lãnh đạo TP tích cực ghi nhận kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng từ cơ sở. Các địa phương cần thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thi đua, khen thưởng. Lãnh đạo phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, thúc đẩy tinh thần tiên phong trong cán bộ, đảng viên.
“Là địa phương đầu tàu, TP phải nhân rộng những mô hình thi đua mới, hiệu quả. Cơ quan, đơn vị các cấp tiến hành khen thưởng kịp thời, công khai, minh bạch, đúng người, đúng thành tích, đúng quy định. Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc, trung ương mong các đồng chí thực hiện nhiều hoạt động thi đua sôi nổi, lan tỏa”, phó chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị nắm rõ, quán triệt và thực hiện tốt chỉ đạo của phó chủ tịch nước. Cụ thể, các sở, ban - ngành, địa phương chú trọng những phong trào thi đua trọng tâm, như: thanh niên TP khởi nghiệp, lập nghiệp; nông thôn mới... Công tác khen thưởng phải đúng quy trình, minh bạch, phù hợp quy định. Các cơ sở chú trọng nhiều hơn đến cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cán bộ cơ sở công tác ở đơn vị khó khăn, xa xôi.
Phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương nhân rộng những công trình, mô hình thi đua cụ thể, ý nghĩa.
Chủ tịch UBND TP cũng kêu gọi cá nhân, tổ chức, đơn vị trên địa bàn phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tích cực thi đua yêu nước bằng những hành động cụ thể, ý nghĩa.
Các các nhân, tập thể vinh dự nhận bằng khen của UBND TP
Dịp này, UBND TPHCM khen thưởng 74 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai, thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng trên địa bàn.
Tại TPHCM, nét mới trong phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua là việc xây dựng mô hình, giải pháp thi đua phù hợp đặc thù cơ sở.
Hiện TP có 41 cụm, 561 khối thi đua với hơn 5.000 đơn vị thành viên. Hoạt động khối thi đua có nhiều chuyển biến tích cực, thiết thực, đổi mới. Phong trào thi đua phát động có tiêu đề, nội dung, tiêu chí cụ thể.
TP không ngừng phát huy những mô hình mang tính nhân văn sâu sắc (tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả; tỏa sáng giữa đời thường...). Không ít nhân tố mới góp phần khơi dậy động lực thi đua tại địa phương.