Nhiều luật sư bày tỏ vui mừng vì có buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP, phát biểu nhiều ý kiến để góp ý, chia sẻ với các lãnh đạo TP về nghề nghiệp của mình.
Mở đầu cho các ý kiến, luật sư Trương Thị Minh Thơ góp ý, trước nay các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn “hành” luật sư rất nhiều, không chỉ ở TPHCM mà nhiều địa phương đều như vậy.
Nhân ý kiến này, luật sư Nguyễn Đình Kiên cho rằng ở TPHCM các cơ quan ít “hành” luật sư hơn. Có lần ông lặn lội xuống tới Tiền Giang thì điều tra viên kêu là hôm nay con bị bệnh, phải đưa đi bệnh viện, chờ tới mai mới lấy lời khai. Vậy là luật sư phải mướn khách sạn, bỏ công bỏ việc chờ tới mai để được làm việc. Còn thư ký tòa án, hôm nào vui thì cho vô phòng ngồi chờ, không thì chỉ ra gốc cây ngồi chờ khi nào gọi mới được vô!
Từng là một sĩ quan quân đội, luật sư Nguyễn Văn Năm không hài lòng với giờ giấc làm việc của tòa án. Ông nói, thời gian ghi trong giấy triệu tập không thực hiện đúng, làm phiền tới luật sư và đương sự rất nhiều. Đến tòa ngồi đợi hai tiếng mà chưa xử. Ông kể, 8 giờ tới tòa thì thẩm phán chưa tới, còn thư ký thì còn bưng hủ tiếu vào phòng ăn sáng!
Không chỉ là các cơ quan tố tụng, các luật sư cũng chỉ ra những cản trở, bất cập của các cơ quan nhà nước, luật sư Nguyễn Thanh Phương nói, quy định lãnh đạo phải tiếp công dân nhưng thực tế được gặp lãnh đạo rất khó. Bản thân bà có đơn xin gặp chánh án TAND TP nhưng rất khó. Theo bà, nếu được gặp trực tiếp thì sự việc sẽ được giải quyết đơn giản nhanh chóng, nhưng thực tế có những vụ rất đơn giản mà mấy năm đi lại không được giải quyết.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu thì dẫn chứng như việc luật sư vẫn bị cản trở, không được tham dự các cuộc họp mà luật quy định luật sư được tham dự, hoặc khi đi xin trích lục thông tin thì nhiều cơ quan từ chối. Theo ông, việc từ chối như vậy là vi phạm pháp luật về quyền tiếp cận thông tin.
Luật sư Hậu kiến nghị TPHCM nên có cổng thông tin để giới luật sư phản ánh việc thực thi pháp luật không đúng để từ đó có sự điều chỉnh. “Luật trao quyền cho chúng tôi nhưng quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc”, luật sư Hậu nói.
Đồng chí Trần Lưu Quang cho rằng kiến nghị này rất đáng suy ngẫm. Hiện nay các địa phương đều có ứng dụng trực tuyến để ghi nhận ý kiến phản ánh, nếu đoàn luật sư cũng mong muốn một kênh như vậy thì có thể đề xuất để TP hỗ trợ thực hiện.
Đồng chí Trần Lưu Quang mong muốn mỗi năm sẽ tổ chức được một buổi gặp gỡ đối thoại với giới luật sư TP. Cuộc gặp gỡ tới đây sẽ phải chuẩn bị chu đáo hơn, có sự tham dự của người đứng đầu các cơ quan tố tụng, Viện trưởng, Chánh tòa, Chánh Thanh tra và các cơ quan có liên quan.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, TPHCM có số lượng luật sư đông nhất cả nước với hơn 5.500 luật sư, với hơn 1.600 tổ chức hành nghề luật sư. Sở đánh giá, bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay số lượng, chất lượng hoạt động hành nghề luật sư chưa tương xứng tiềm năng và yêu cầu dịch vụ pháp lý tại TP. Số lượng luật sư có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ giỏi, có khả năng làm việc trong môi trường pháp lý quốc tế còn hạn chế. Vẫn còn một số luật sư vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư như: không thực hiện trách nhiệm với khách hàng, không trung thực, hứa hẹn trước kết quả với khách hàng trong hoạt động tố tụng… |