Luật sư Nguyễn Thị Thu bào chữa cho bị cáo Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai) cho rằng, những quan điểm buộc tội của viện kiểm sát đối với thân chủ của mình là không khách quan, làm tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư, hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo bỏ qua các bước thẩm định khi ký tờ trình bổ sung phần đầu tư thiết bị y tế không vì động cơ vụ lợi mà chỉ với mục đích để kịp thời gian nộp hồ sơ đăng ký kế hoạch xin vốn ngân sách từ Trung ương.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN |
Luật sư Thu cho rằng, căn cứ nội dung bản kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố ngày 10-11-2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho thấy, ngày 17-6-2010, bị cáo Thu cùng với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT. Tại buổi làm việc, Bộ KH-ĐT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung phần thiết bị y tế chuyên môn vào dự án để báo cáo bộ đăng ký vốn kế hoạch dự án từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
Trong đó, đối với dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư theo hướng bổ sung đầy đủ vốn đầu tư thiết bị để đảm bảo hoạt động của bệnh viện, gửi Sở KH-ĐT trước ngày 2-7-2010 để thẩm định và trình duyệt theo quy định, đảm bảo điều kiện hồ sơ đăng ký kế hoạch năm 2011 các dự án trọng điểm của tỉnh kiến nghị Trung ương đưa vào danh mục vốn trái phiếu Chính phủ và hỗ trợ có mục tiêu của kế hoạch năm 2011 trước thời điểm làm việc với Bộ KH-ĐT dự kiến cuối tháng 7-2011…
Đến 19-7-2010, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai mới gửi Sở KH-ĐT văn bản về việc bổ sung đầu tư trang thiết bị y tế chuyên môn.
Luật sư cho hay, vì đã đến hạn gửi hồ sơ ra Trung ương để xin hỗ trợ vốn nên khi nhận được hồ sơ từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bị cáo Thu đã báo cáo và được lãnh đạo tỉnh đồng ý bỏ qua các bước thẩm định hồ sơ. Do vậy, bị cáo Thu đã ký tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai về quyết định điều chỉnh dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, trong đó bổ sung phần đầu tư thêm thiết bị y tế số tiền hơn 756 tỷ đồng…
Do đó, luật sư cho rằng, bị cáo Bồ Ngọc Thu có đầy đủ các điều kiện để được xem xét mức án dưới 36 tháng tù và được hưởng án treo theo Điều 2, Nghị Quyết số 02 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trước đó, viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Thu 4-5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Bồ Ngọc Thu trong ngày khai mạc phiên tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Sáng cùng ngày, các luật sư Đỗ Mạnh Trường, Phí Hồng Quân và Phan Mậu Thìn bào chữa cho bị cáo Lê Thị Bích Thủy (Giám đốc Công ty TNT) cho biết, quá trình tham gia phiên tòa từ 21-12 đến nay, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Thủy thấy rằng thông qua phần xét hỏi và tranh luận trực tiếp tại phiên tòa đã làm rõ hành vi đồng phạm giúp sức mờ nhạt của bị cáo Thủy.
Đồng thời, đồng ý với quan điểm của viện kiểm sát nhận định về hành vi của bị cáo Thủy là “đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể” và ghi nhận bị cáo có nhiều đóng góp cho xã hội, được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt án treo cho bị cáo.
Tuy nhiên, luật sư cũng làm rõ thêm về vai trò đồng phạm mờ nhạt và bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ khác của bị cáo Thủy; cùng những đóng góp đặc biệt của bị cáo cho xã hội để hội đồng xét xử cân nhắc áp dụng mức hình phạt vừa thể hiện sự khoan hồng vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cho bị cáo Thủy.
Theo đó, luật sư Đỗ Mạnh Trường cho rằng, thời điểm năm 2012-2013, Công ty AIC là một doanh nghiệp lớn đa ngành, tham gia đấu thầu nhiều gói thầu thuộc dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Công ty TNT và các doanh nghiệp khác để bán thiết bị y tế vào dự án phải tham gia đấu thầu theo sự sắp xếp, điều hành của AIC.
Theo cơ chế này, bị cáo Thủy phải chấp nhận làm “quân xanh”, “quân đỏ” cho AIC để bán được hàng vào dự án đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên, duy trì sự ổn định và phát triển cho công ty. Toàn bộ việc tham gia đấu thầu từ mua hồ sơ mời thầu cho đến việc thiết lập và nộp hồ sơ dự thầu đều do AIC sắp xếp, Công ty TNT đứng tên tham gia đấu thầu 11 gói thầu và được cung cấp thiết bị vào 2 gói thầu số 07 và số 65.
Các luận cứ của luật sư Trường khẳng định, Công ty TNT của bị cáo Thủy không nằm trong “hệ sinh thái” với AIC, với mong muốn bán được hàng trong cơ chế thị trường vận hành thiếu kiểm soát nên đã đồng phạm giúp sức có vai trò không đáng kể với hành vi giản đơn đứng tên đấu thầu hộ AIC.
Nhóm luật sư của bị cáo Thủy cũng đề nghị tòa xem xét, bởi người này có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Thủy được ghi nhận là chủ động “cung cấp nhiều tài liệu, thông tin có giá trị phục vụ quá trình điều tra”, góp phần quan trọng đối với kết quả điều tra để đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa.
Trong phần tranh luận trước đó, luật sư Dương Văn Nghị, người được chỉ định bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc AIC) cho rằng bị cáo Nhàn đã xuất cảnh từ giữa năm 2021, trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Vì vậy, luật sư Nghị khẳng định cơ quan điều tra chưa thể lấy lời khai của bị cáo Nhàn; Chủ tịch AIC cũng không thể trình bày ý kiến của bản thân trước những cáo buộc của cơ quan tố tụng.
Từ đó, luật sư Nghị cho biết ngay cả người bào chữa cũng không nắm được quan điểm của bà Nhàn, liệu bị cáo này có nhận tội hay không. Toàn bộ việc bào chữa chỉ căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi. Vì vậy, luật sư Nghị đề nghị hội đồng xét xử cân nhắc, đánh giá vai trò, vị trí của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án…